Liên kết chuỗi để khắc phục hàng loạt điểm yếu trong sản xuất nông sản

Xuất khẩu nông sản tăng mạnh đặt ra bài toán nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa để giúp người dân, HTX hưởng lợi từ chính cây lúa, củ khoai… mà mình làm ra, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Số liệu từ ngành Bộ NN&PTNT cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Chuỗi giá trị tạo hệ sinh thái bền vững

Những số liệu thể hiện sự tăng trưởng xuất khẩu cao của nông sản đã khiến giới chuyên gia đặt ra bài toán trong đầu tư để nâng cấp chuỗi giá trị nông sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đặc biệt là trong bối cảnh nghịch lý Việt Nam luôn là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới nhưng khả năng cạnh tranh lại ở mức thấp so với khu vực.

Hiện, khả năng tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu của nông sản, hàng hóa Việt chưa cao vì chưa chế biến sâu, chưa chú trọng bao bì. Cụ thể là có đến 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng thô nên khả năng cạnh tranh thấp, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Số liệu từ Viện Công nghệ sau thu hoạch cho thấy, số nông sản Việt Nam chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng 10% và số doanh nghiệp, HTX chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%. Đi cùng với đó là tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên đến 30-35%.

Bên cạnh đó, khâu vận chuyển nông sản cũng đang là điểm yếu trong xuất khẩu nông sản. Theo Bộ Công Thương, chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm khoảng 25% giá thành sản phẩm, trong khi chi phí vận chuyển nông sản của Thái Lan chỉ vào khoảng 12%.

Liên kết chuỗi giá trị hàng hóa thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Liên kết chuỗi giá trị hàng hóa thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tổn thất sau thu hoạch, chi phí vận chuyển đang ở mức cao, trong khi chế biến sâu vẫn còn thấp nên nhiều nông sản của Việt Nam tuy sản xuất trên diện tích lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của một số thị trường quốc tế.

Trước thực trạng này, trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cơ quan quản lý đã xác định, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thành viên HTX và doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa với vai trò chủ đạo của Nhà nước, HTX, doanh nghiệp đang tạo ra một hệ sinh thái bền vững cần phát huy để vừa phát triển sản xuất bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, đến nay cả nước đã có 4.000 HTX thực hiện liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp (chiếm khoảng 13% tổng số HTX). Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã xây dựng và phát triển được 1.449 chuỗi liên kết đối với các sản phẩm chủ lực theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, với sự tham gia của 2.204 HTX, 1.091 doanh nghiệp, 517 tổ hợp tác và hơn 186 nghìn hộ nông dân.

Có thể thấy, đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa HTX với doanh nghiệp trên cả nước đã trở nên khá phổ biến. Mối liên kết này đã góp phần tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng. Các HTX và doanh nghiệp cũng không ngừng đầu tư cho chế biến sâu, từ đó nâng cao hiệu quả ở những bước còn lại trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Sáu Nhung (Kon Tum) chia sẻ, chế biến sâu cà phê sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt, sản phẩm gọn nhẹ, dễ vận chuyển và tiết giảm chi phí logistics. Chế biến sâu đồng nghĩa với việc HTX cũng đầu tư cho bao bì, thuận lợi liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam Đào Thanh Vân khẳng định, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là khâu then chốt trên con đường tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Liên kết chuỗi giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhà xưởng, máy móc, công vận chuyển… nên rút ngắn được thời gian hoàn vốn.

Liên kết chuỗi cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo nguồn cung ổn định. Người dân, HTX khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả. Người sản xuất cũng tiếp cận tốt hơn với công nghệ sản xuất mới, nguồn tín dụng…

Thêm chất xúc tác

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra: nếu HTX được xác định là mắt xích quan trọng và doanh nghiệp được coi là đầu tàu của chuỗi giá trị thì hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông sản nói chung, liên kết với HTX nói riêng vẫn còn rất khiêm tốn.

Thạc sỹ nông nghiệp Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam, cho biết điểm khó của chuỗi liên kết là khó tìm được đơn vị sẵn sàng chia sẻ, bảo đảm ổn định lâu dài. Trong khi doanh nghiệp phải có mức giá cạnh tranh, có khả năng cung cấp số lượng lớn hàng hóa, thường xuyên và đúng hạn; chất lượng sản phẩm phải đồng nhất, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, nhiều HTX hiện còn hạn chế trong quản trị điều hành, khó xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh và khó tiếp cận một số chính sách về tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, liên kết chuỗi theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP…

Xét về mặt thị trường, thách thức với nông sản Việt không chỉ là làm sao để có được những mặt hàng an toàn, đạt chuẩn mà còn đáp ứng các quy định về phát triển xanh và bền vững. Vì vậy, theo PGS, TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT), để nâng chất và phát triển thêm các chuỗi giá hàng hóa cần tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị.

Về phía doanh nghiệp, cần có thêm những doanh nghiệp dũng cảm vượt qua được những rào cản hiện nay để cùng đồng hành với nông dân, HTX. Vì thực tế đã có được những doanh nghiệp làm được điều này nhưng số lượng vẫn còn quá ít ỏi.

Còn về phía HTX, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là phải xác định được thị trường tiêu thụ chủ lực. Khi xác định được thị trường, HTX sẽ áp dụng các quy định sản xuất phù hợp để nông sản đạt tiêu chuẩn.

Khi đó, HTX và doanh nghiệp sẽ có “lực hút” để cùng bắt tay phát triển chuỗi giá trị thực phẩm minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc, đa dạng kênh phân phối…

Tuy nhiên, muốn phát triển được chuỗi cũng cần sự chung tay của cơ quan quản lý trong việc giải quyết những khó khăn về cơ chế chính sách, hạ tầng, môi trường kinh doanh, quy chuẩn sản phẩm, khung pháp lý… để tạo chất xúc tác thuận lợi giúp HTX, doanh nghiệp liên kết được hiệu quả, bền chặt.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lien-ket-chuoi-de-khac-phuc-hang-loat-diem-yeu-trong-san-xuat-nong-san-1101943.html