Liên kết chuỗi giá trị - chìa khóa tạo đột phá cho nông nghiệp Xín Mần - Kỳ đầu: Hình thành các chuỗi liên kết bền vững

BHG - Quyết liệt, linh hoạt tổ chức lại sản xuất, nỗ lực trong công tác thu hút đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các liên kết chuỗi giá trị nông sản cho địa phương nhằm nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu… Đó là một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của huyện Xín Mần.

Biến nông sản thành đồng ngoại tệ

Lãnh đạo huyện thăm mô hình trồng Củ cải xuất khẩu ở xã Xín Mần.

Lãnh đạo huyện thăm mô hình trồng Củ cải xuất khẩu ở xã Xín Mần.

Đầu năm 2023, một Container chở 18 tấn củ cải được trồng tại huyện Xín Mần đã cập bến Nhật Bản thành công bằng con đường chính ngạch. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm nông sản do chính bàn tay người nông dân vùng biên giới Xín Mần xuất khẩu sang thị trường đất nước “Mặt trời mọc”, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển đột phá của ngành Nông nghiệp huyện nhà. Đồng thời là kết quả của sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị huyện Xín Mần trong việc kết nối, thu hút đầu tư, hợp tác giữa nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp…

Lãnh đạo huyện Xín Mần và đại điện Công ty TNHH Việt Nam Misaki kiểm tra lô Củ cải muối trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.

Lãnh đạo huyện Xín Mần và đại điện Công ty TNHH Việt Nam Misaki kiểm tra lô Củ cải muối trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản.

Năm 2021, huyện Xín Mần thực hiện ký kết hợp tác với Công ty TNHH Việt Nam Misaki trong lĩnh vực trồng và bao tiêu sản phẩm nông sản địa phương. Trên cơ sở đó, công ty bắt đầu cho trồng thí điểm Củ cải ở xã Xín Mần. Mô hình được trồng thử nghiệm ở 14 hộ dân với sự hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng của phía công ty. Sau 3 tháng Củ cải cho sản lượng 120 tấn/4ha, thu nhập hơn 80 triệu/ha, cao gấp 4 lần so với trồng ngô. Trong năm 2022, mô hình tiếp tục thực hiện liên kết trồng Củ cải 2 vụ với quy mô 13,5 ha, số hộ tham gia là 12 hộ, kết quả sản lượng 2 vụ đạt trên 457 tấn, giá trị thu được hơn 130 triệu đồng/ha. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp và được trồng theo phương pháp hữu cơ nên củ cải phát triển tốt, sản phẩm đạt chất lượng yêu cầu xuất khẩu của phía đối tác. Qua từng năm, diện tích Củ cải của xã Xín Mần đã được mở rộng và phát triển thành vùng nguyên liệu chính xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản. Việc ký cam kết tiêu thụ bền vững, thu mua tại vườn, giá bán 2 nghìn đồng/kg đã mang lại thu nhập cho người dân từ 60 – 100 triệu đồng/vụ/hộ. Ông Hoàng Văn Mơi, Giám đốc HTX Mơi Hạnh, xã Xín Mần chia sẻ: Ban đầu, các hộ dân cũng rất bỡ ngỡ khi thực hiện trồng Củ cải, bởi trước đây diện tích đất chủ yếu trồng ngô để phục vụ đời sống và chăn nuôi. Tuy nhiên, sau thời gian trồng thì thấy hiệu quả gấp 4 – 5 lần trồng ngô. Người dân vùng biên giới rất phấn khởi, khi mang lại nguồn thu nhập cũng như đầu ra sản phẩm ổn định.

Mô hình Củ cải liên kết với doanh nghiệp đã nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình Củ cải liên kết với doanh nghiệp đã nâng cao thu nhập cho người dân.

Để đảm bảo chất lượng Củ cải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cuối năm 2022, Công ty TNHH Việt Nam Misaki quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế và chế biến sâu củ cải có quy mô 1 nghìn tấn/năm. Qua đó góp phần xây dựng chuỗi liên kết và chế biến khép kín sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn huyện Xín Mần. Bà Hoàng Thị Lập, Giám đốc Công ty TNHH Việt Nam Misaki, cho biết: Thực hiện liên kết chuỗi giá trị giữa huyện Xín Mần và Công ty TNHH Việt Nam Misaki bao gồm các sản phẩm như Củ cải, Gừng trâu, các mô hình liên kết củ Kiệu, măng tre Bát Độ…. Thời gian tới, phía công ty sẽ tiếp tục ký kết hợp tác với các HTX để mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Hình thành nhiều vùng nguyên liệu

Sự liên kiết chặt chẽ với Công ty TNHH Việt Nam Misaki để xuất khẩu nông sản đã sớm hình thành nhiều vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của từng tiểu vùng trên địa bàn huyện Xín Mần. Trong đó, huyện đang xây dựng vùng trồng củ Kiệu và Gừng trâu tại thị trấn Cốc Pài, xã Nàn Ma và Tả Nhìu; tiến tới sẽ triển khai trồng cây măng tre Bát Độ tại 3 xã phía Nam là Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên và xã Bản Ngò, Nấm Dẩn. Không dừng lại ở đó, huyện đã và đang thực hiện liên kết chuỗi giá trị với Công ty Cổ phần Nông nghiệp tốt (Phú Thọ) thực hiện trồng 7 ha rau hữu cơ (chủ yếu là Cà chua, cải Bắp, cải Thảo, Súp lơ, cải Canh, cải Thìa). Hàng ngày, hàng tuần các hộ dân thu hoạch sản phẩm chuyển về tiêu thụ tại siêu thị của công ty ở Thành phố Hà Nội. Đến nay, công ty đã thu mua 45 tấn sản phẩm rau các loại; đồng thời liên kết với HTX nông nghiệp xã Xín Mần xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến quy mô 500 - 700 tấn rau/năm; định hướng đến năm 2025 mở rộng vùng nguyên liệu lên 70 - 100ha/năm. Bên cạnh đó, công ty còn phối hợp với HTX trên địa bàn xây dựng cơ sở bán hàng tại trung tâm huyện và giới thiệu bán sản phẩm tại các siêu thị Hà Nội.

Đối với khu vực thác Tiên – đèo Gió (xã Nấm Dẩn), nơi có khí hậu mát mẻ và nguồn nước chảy quanh năm đã thu hút được nhiều doanh nhiệp, HTX đầu tư nuôi cá nước lạnh. Hiện tại, HTX Vạn Lộc đang thực hiện Dự án nuôi cá nước lạnh theo chuỗi giá trị tại xã Quảng Nguyên quy mô 2 vạn con/năm (tập trung nuôi cá Hồi, cá Tầm). Doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát và liên kết với khoảng 30 hộ tại xã Quảng Nguyên và Nấm Dẩn triển khai mở rộng quy mô trên 1,5 ha, sản lượng dự kiến 300 tấn - 500 tấn/năm và triển khai chế biến sâu các sản phẩm từ cá đông lạnh… Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Vạn Lộc, xã Quảng Nguyên cho biết: Được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên và khí hậu, HTX đã quyết định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bể chứa để phát triển vùng nguyên liệu cá nước lạnh với mô hình nuôi cá Hồi và cá Tầm. Trước mắt, HTX triển khai hơn 30 bể nuôi cá nước lạnh và liên kết với người dân để tạo thành khu vực chuyên nuôi cá Tầm, cá Hồi của huyện Xín Mần trong thời gian tới…

Bài, ảnh: VĂN LONG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202303/lien-ket-chuoi-gia-tri-chia-khoa-tao-dot-pha-cho-nong-nghiep-xin-man-ky-dau-hinh-thanh-cac-chuoi-lien-ket-ben-vung-8010d9a/