Liên kết chuỗi - vấn đề cốt lõi trong phát triển HTX ở Hà Nội

Hà Nội là địa phương có số lượng HTX nhiều nhất cả nước, nhưng chưa thực sự có những chuỗi liên kết mang tính chất bài bản từ sự hỗ trợ bởi Nghị định 98 của Chính phủ. Do vậy, nhiều HTX vẫn phải 'mò mẫm' tìm thị trường tiêu thụ. Đây là những hạn chế dẫn đến sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Hà Nội thua kém nhiều địa phương khác.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NĐ-CP (Nghị định 98) về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, được coi là vấn đề cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác (KTHT). Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định 98 tại Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Liên kết chuỗi là vấn đề sống còn

Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.154 HTX, quỹ TDND (chiếm 7,9% của cả nước), 16 liên hiệp HTX (16%), 1.529 tổ hợp tác (1,33%). Hà Nội là địa phương có số lượng HTX và liên hiệp HTX nhiều nhất trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Sự phát triển về số lượng các tổ chức trong khu vực KTHT phù hợp với xu thế phát triển KTHT nói riêng và chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung.

Hội thảo triển khai Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thu hút sự quan tâm của nhiều HTX trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn nhận một cách khách quan, các HTX vẫn chưa phát triển như mong đợi. Ngoài những nguyên nhân chủ quan và do thiếu đất sản xuất, hạn chế về vốn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất kinh doanh, trong đó tiêu thụ nông sản là khâu quan trọng nhất.

Nhận định này được các nhà khoa học và đại diện HTX đưa ra tại Hội thảo triển khai Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng 2/10.

"Nông sản làm ra không tiêu thụ được thì chỉ có cách “đổ bỏ” nếu không có chuỗi liên kết, không có nhà máy chế biến sâu", một chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT rau quả sạch Chúc Sơn

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) thừa nhận, thiếu liên kết sản xuất, nhất là thiếu một HTX hoặc doanh nghiệp thực sự đủ mạnh để xây dựng chuỗi liên kết làm đầu kéo cho các HTX dẫn đến việc tiêu thụ nông sản của các HTX hết sức khó khăn.

Hiện, Hà Nội có những kênh tiêu thụ nông sản chủ yếu là chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ và bán lẻ tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, sản phẩm của các HTX rất khó tiếp cận các chuỗi siêu thị. Trong khi đó, các tỉnh khác có doanh nghiệp xây dựng nhà máy đưa nông sản vào chế biến sâu để tiêu thụ và nâng cao giá trị, còn Hà Nội chủ yếu là sản xuất và bán lẻ, phục vụ hơn 10 triệu người tiêu dùng của Thủ đô.

Thị trường bán lẻ của Hà Nội đang có sự cạnh tranh lớn, bởi tất cả các sản phẩm nông sản từ các địa phương khác mang đến. Cho nên người nông dân, HTX trên địa bàn đang tự mò mẫm tìm đầu ra. Và con đường duy nhất để tháo gỡ là phải xây dựng chuỗi liên kết, mà Nghị định 98 chính là đã mở ra một con đường cho các HTX.

Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi về việc thiếu liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho các HTX, mà bản thân chính quyền địa phương cũng cần tích cực hỗ trợ các HTX, nhất là việc triển khai Nghị định 98. Qua đó, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ thúc đẩy các HTX tiêu thụ nông sản một cách bền vững.

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Văn Đức

Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, Nghị định 98 được Chính phủ ban hành từ năm 2018 nhằm hỗ trợ liên kết, tiêu thụ nông sản cho các hộ gia đình, HTX. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều địa phương ở Hà Nội vẫn chưa triển khai.

“Các HTX vẫn phải tự thân tiếp cận, tìm kiếm thông tin, tìm hiểu để kiến nghị đề xuất, nên chưa có HTX nào xây dựng được chuỗi liên kết một cách bài bản từ sự hỗ trợ bởi Nghị định 98. Nếu Nghị định không đi vào cuộc sống thì các HTX và người dân sẽ rất khó tiếp cận, khó được hưởng thụ”, ông Minh nói.

Sớm đưa chính sách vào cuộc sống

GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Viện Khoa học Phát triển nông thôn cho rằng, nút thắt lớn nhất trong liên kết tiêu thụ nông sản của các HTX hiện nay là thiếu những đơn vị đầu tàu. Việc có doanh nghiệp đứng ra làm đầu tàu chuỗi liên kết sẽ giúp tiêu thụ được nông sản cho nông dân, HTX một cách bền vững, tạo niềm tin lớn đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn.

GS.TS. Phạm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Viện Khoa học phát triển nông thôn

“Để làm được việc này cần phải có những doanh nghiệp lớn làm đầu tàu và bản thân các HTX phải xác định được đầu tư để phát triển bền vững, phải làm thật và làm có trách nhiệm, chứ không phải chỉ nhận đầu tư dự án vài trăm triệu trong một vài năm rồi bỏ đó”, bà Dung nhấn mạnh.

Mặc dù sản phẩm của HTX rau Văn Đức đươc T.P Hà Nội đánh giá là sản phẩm OCOP bốn (4) sao năm 2019 nhưng việc tìm kiếm thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù sản phẩm của HTX rau Văn Đức đươc T.P Hà Nội đánh giá là sản phẩm OCOP bốn (4) sao năm 2019 nhưng việc tìm kiếm thị trường vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, trong bối cảnh hiện nay, nếu không liên kết thì sản phẩm nông nghiệp rất yếu thế và sẽ không cạnh tranh ngay được trên "sân nhà". Do vậy liên kết sản xuất là vấn đề cốt yếu hiện nay.

“Sản phẩm nông nghiệp giống như con người, phải có tên có tuổi, phải có sức sống. Do vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ từng bước hỗ trợ nguồn vốn để triển khai xây dựng chuỗi giá trị một cách đồng bộ và tạo cơ chế, chính sách theo Nghị định 98 nhằm hỗ trợ tốt hơn các HTX, người dân trong liên kết bao tiêu nông sản, đồng thời có hướng kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản của các HTX, người dân của Thủ đô”, ông Tường nhấn mạnh.

Phạm Duy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lien-ket-chuoi-van-de-cot-loi-trong-phat-trien-htx-o-ha-noi-1073733.html