Liên kết cùng phát triển - Miền Trung kỳ vọng …'cất cánh'
Trong nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Đảng, Nhà nước, các địa phương khu vực miền Trung đã liên kết phát triển kinh tế - xã hội từng bước thay đổi diện mạo của khu vực này.
Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu
Một trong những nguyên nhân khiến khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chưa bứt phá, vươn lên là do thiếu tính liên kết. Vì vậy, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3 /11/ 2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2045 xác định: Liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.
Nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ. Trong đó, tiểu vùng Trung Trung Bộ có vai trò động lực, có tác động lan tỏa, lôi kéo và thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Những năm qua, việc xây dựng cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác được xác định là một giải pháp quan trọng. Các tỉnh và thành phố tại miền Trung đã có những động thái tích cực trong liên kết, mở rộng hợp tác phát triển kinh tế.
Đơn cử như, tại chương trình hợp tác giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh, sau 1 năm thực hiện đã có nhiều kết quả quan trọng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và đóng góp tích cực vào kết quả phát triển chung của đất nước.
Cụ thể, các tỉnh thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp trong nước và nước ngoài; giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và quản lý dự án đầu tư sau cấp phép; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thu hút, quản lý các dự án phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...
Thống kê của các bộ, ngành cho thấy trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm); riêng giai đoạn 2011-2019 tuy có sự sụt giảm so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn đạt cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao như: Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm, Quảng Nam bình quân tăng 11,58%/năm, Quảng Ngãi bình quân tăng (11,19%/năm), Bình Định bình quân tăng khoảng 8,73%/năm.
Một nhiệm vụ quan trọng khác được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3 /11/ 2022 nhấn mạnh là tập trung cải cách thể chế liên kết vùng để điều phối và kết nối phát triển vùng. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tài chính cho phép các địa phương huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng. Trong đó, có hệ thống hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng, các dự án có quy mô và sức lan tỏa trong vùng và liên vùng.
Cùng chung mục tiêu phát triển du lịch bền vững
Du lịch được xác định là ngành lợi thế trong dự thảo quy hoạch vùng và liên kết vẫn là chìa khóa mấu chốt để thương hiệu du lịch miền Trung khởi sắc. Để đạt mục tiêu là trung tâm du lịch của cả nước, các tỉnh thành ở miền Trung có lợi thế về du lịch trong khu vực cần xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế cả vùng thay vì mỗi tỉnh thực hiện các hoạt động đơn lẻ như lâu nay. Bốn sản phẩm chủ đạo của du lịch được xác định gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo và các sản phẩm du lịch bổ trợ.
Thực tế trong thời gian gần đây, mối liên kết giữa các địa phương trọng điểm về du lịch trong vùng đã cải thiện khá nhiều. Tiêu biểu nhất vẫn là các địa phương trong mối liên kết con đường di sản Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam gần hai thập niên qua; mới nhất, 3 tỉnh thành này đã đồng hành quảng bá xúc tiến du lịch tại Malaysia và Singapore. Từng địa phương sẽ luân phiên vai trò trưởng nhóm qua các năm để giữ bền bỉ mối liên kết này.
Đặc biệt vào tháng 12 năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng các tỉnh, thành trong cụm liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động liên kết phát triển du lịch 05 tỉnh, thành năm 2023 và triển khai kế hoạch liên kết phát triển du lịch năm 2024.
Trong năm 2024, Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các công tác quản lý nhà nước; Tổ chức tham gia quảng bá, xúc tiến du lịch tại hội chợ du lịch quốc tế VITM Hanoi, hội chợ du lịch quốc tế ITE-HCMC; Tổ chức chương trình xúc tiến du lịch tại thi trường Úc, Đài Loan; Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua nền tảng số và tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip, kols, blogger…
Tháng 3 năm 2023, tại TP. Thanh Hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Nghệ An và Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch 3 tỉnh với chủ đề “Ba địa phương - Một điểm đến - Nhiều trải nghiệm”. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được đánh giá là khu vực có tiềm năng du lịch rất lớn. Nhờ vị trí địa lý có rừng, đồng bằng, biển; có bề dày lịch sử, chiều sâu và sự đa dạng về văn hóa… nên vùng đất này hội tụ tất cả các loại hình du lịch từ du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng cho tới sinh thái, nông nghiệp, trải nghiệm…
Khu vực Bắc miền Trung cũng sở hữu nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa (Thanh Hóa); Cửa Lò, biển Quỳnh, Bãi Lữ (Nghệ An); Thiên Cầm, Xuân Thành (Hà Tĩnh). Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng nguyên sinh đã tạo nên những điểm du lịch tuyệt đẹp như: Pù Luông, Bến En (Thanh Hóa), Pù Mát, núi Puxailaileng (Nghệ An), rừng Vũ Quang (Hà Tĩnh)… Qua buổi hội nghị liên kết, Thanh Hóa cùng Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ chung tay, cùng nhau đưa du lịch khu vực trở thành “một điểm đến - nhiều trải nghiệm”.
Xây dựng chiến lược phát triển bền vững
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững...
Chính phủ đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Cuối cùng là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Trong đó, đặc biệt là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Xây dựng, tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác; là công cụ điều phối, quản lý thống nhất vùng và các tiểu vùng; phân công rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở chuyên môn hóa cao phù hợp với lợi thế so sánh của các địa phương và các tiểu vùng.
Quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương phải có tầm nhìn tổng thể, dài hạn cùng với các giải pháp đột phá, mở rộng không gian và nguồn lực cho phát triển; bảo đảm gắn kết giữa phát triển các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp với các khu du lịch và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng; phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế, nhất là hành lang kinh tế Đông - Tây; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, cảng hàng không, khu kinh tế cửa khẩu…
Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh như Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu vực liên tỉnh như Bắc Quảng Nam - Nam thành phố Đà Nẵng; Bắc Phú Yên - Nam Bình Định. Tiếp tục đầu tư, phát triển các hành lang kinh tế như Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; La Lay - Mỹ Thủy; Cầu Treo - Vũng Áng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Vân Phong - Buôn Ma Thuột; Phú Yên - Đắk Lắk.
Đồng thời, tập trung đầu tư tăng cường hệ thống hạ tầng trọng yếu bảo đảm liên kết vùng và các tiểu vùng, nhất là trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, kinh tế số, đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch và dịch vụ, logistics, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Sớm xây dựng và phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu, trao đổi thông tin kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong vùng. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại với những sản phẩm có thế mạnh, có thương hiệu và tham gia hiệu quả vào chuỗi sản xuất của khu vực và toàn cầu.
Cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên, khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện gió ngoài khơi; nghiên cứu và định hướng phát triển khai thác năng lượng hydrogen. Phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các đường quốc lộ kết nối Tây Nguyên với vùng.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; kết nối trong nước và quốc tế, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.
Phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa tại Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng như xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng. Phát triển huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trở thành trung tâm du lịch biển - đảo…