Liên kết cung ứng giống và tiêu thụ chanh dây: Giải pháp bền vững

Người trồng chanh dây đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng liên kết trong việc cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ông Trần Ngọc Châu-Tổ trưởng tổ liên kết sản xuất chanh dây thôn 1 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Tổ có 26 hộ, sản xuất 15 ha chanh dây liên kết với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu DOVECO Gia Lai. Công ty cung ứng giống với giá 15 ngàn đồng/cây và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch của bà con. Hầu hết diện tích chanh dây của tổ đều được trồng xen trong vườn cà phê tái canh hoặc diện tích hồ tiêu bị chết”. Cũng theo ông Châu, việc chọn trồng xen chanh dây trong vườn cà phê tái canh nhằm “lấy ngắn nuôi dài” khi cây cà phê chưa có nguồn thu. Mặc dù chanh dây là cây trồng xen nhưng đem lại lợi nhuận khá cao, bà con cũng an tâm về đầu ra.

Ông Trần Ngọc Châu (bìa trái; xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) giới thiệu mô hình trồng chanh dây trong vườn cà phê. Ảnh: L.N

Ông Trần Ngọc Châu (bìa trái; xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) giới thiệu mô hình trồng chanh dây trong vườn cà phê. Ảnh: L.N

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hòa (thôn 1, xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) cho hay: Gia đình ông liên kết với Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu DOVECO Gia Lai trồng 1 ha chanh dây. Công ty cung ứng giống và cam kết thu mua sản phẩm bằng với giá thị trường. Nếu thị trường xuống thấp, Công ty vẫn đảm bảo thu mua với giá tối thiểu là 6.000 đồng/kg. “Tôi đầu tư hết khoảng 50 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trụ, kẽm và công chăm sóc. Hiện tại, tôi đang bán chanh dây cho Công ty với giá 7.300 đồng/kg. Với năng suất khoảng 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi trên 120 triệu đồng/năm”-ông Hòa cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Trần Công Quang-Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu DOVECO Gia Lai-thông tin: Hiện Công ty đã đưa vào hoạt động tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại với 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa gồm: dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm. “Riêng đối với sản phẩm chanh dây, Công ty đang phát triển và thu mua vùng nguyên liệu với diện tích khoảng 1.665 ha. Dự kiến từ nay đến năm 2025, Công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu chanh dây lên 10.000 ha”-ông Quang cho biết thêm.

Chanh dây là loại cây trồng tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh. Tuy nhiên, điều mà người nông dân, chính quyền địa phương cũng như ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đó là giá cả thị trường còn bấp bênh, đầu ra sản phẩm chưa ổn định. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: “Toàn huyện có hơn 500 ha chanh dây, chủ yếu trồng xen trong các vườn hồ tiêu bị chết, vườn cà phê tái canh. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 nhà máy thu mua sản phẩm chanh dây của người dân rất ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân khi trồng chanh dây cần tìm hiểu kỹ thị trường và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm để đảm bảo sự phát triển ổn định”.

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Chế biến chanh dây tại Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Lê Nam

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có khoảng 2.700 ha chanh dây, tập trung trên địa bàn 13/17 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, 1.665 ha do Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu DOVECO Gia Lai cung ứng nguồn cây giống cho người dân và đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị; 750 ha do Công ty cổ phần Nafood Tây Nguyên cung ứng cây giống (116 ha có hợp đồng đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị).

Huyện Chư Sê cũng là địa phương có diện tích chanh dây khá lớn với hơn 300 ha. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn người dân sản xuất chanh dây chỉ mới liên kết trong việc cung ứng giống, còn việc tiêu thụ vẫn thông qua các thương lái, đại lý thu mua hoa quả trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho rằng: “Để sản xuất chanh dây mang tính bền vững, hiệu quả cao, người dân cần liên kết theo chuỗi từ việc cung ứng giống chất lượng đến bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết này cũng cần có sự thống nhất về giá sản phẩm và các điều khoản liên quan một cách hợp lý”.

Theo ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 65% diện tích chanh dây của người dân được liên kết theo hình thức cung ứng giống hoặc vừa cung ứng giống vừa bao tiêu sản phẩm. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nhất là đối với chất lượng giống cây trồng. “Để cây sinh trưởng khỏe mạnh, năng suất cao, có khả năng kháng bệnh, người dân cần mua giống ở các cơ sở uy tín, được cấp giấy chứng nhận vườn ươm đạt tiêu chuẩn theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết sản xuất để ổn định đầu ra cho sản phẩm”-ông Khải khuyến cáo.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202005/lien-ket-cung-ung-giong-va-tieu-thu-chanh-day-giai-phap-ben-vung-5681924/