Liên kết để tạo đột phá kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng hiện là vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam với nhiều tiềm năng cùng thách thức đan xen. Do đó, để kinh tế vùng tạo sự đột phá cần nhiều hơn tính liên kết, từ các vùng đến chuỗi sản xuất.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nhật Tân cho biết, năm 2023 tốc độ tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế trên cả nước. Quy mô kinh tế giá hiện hành đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP của Việt Nam, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Con số này giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn. Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu vùng về kim ngạch xuất nhập khẩu, tiếp theo là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Hưng Yên…

Thu hút đầu tư nước ngoài của vùng lớn nhất nước, ước đạt 17,382 tỷ USD năm 2023. Cơ cấu kinh tế GRDP của vùng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; trong đó, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng kinh tế của toàn vùng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, các ngành công, nông nghiệp thuộc ưu thế phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng gồm luyện kim, cơ chế, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, nhiệt điện, khai thác khí dầu, khai thác đá vôi, khai thác cao lanh, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và gia cầm... Những nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp của vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, Đồng bằng sông Hồng đang đối mặt với những thách thức như kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.

Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại của vùng chiếm tỷ lệ thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế tổng thể có kết quả nhưng còn chậm; chuyển dịch cơ cấu nội ngành còn chưa mạnh và rõ nét; chưa hình thành được những chuỗi giá trị (chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất) và các cụm liên kết ngành; chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng của vùng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

“Vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá. Hội nghị ngày hôm nay với nội dung trọng tâm thúc đẩy xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu cho vùng, tôi rất mong đại diện các địa phương trong vùng, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp liên quan cùng tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu của vùng cũng như bàn thảo các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia," Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết.

Từ góc độ địa phương, theo bà Nguyễn Kiều Oanh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thành phố có 10 khu công nghiệp đã thành lập và đang hoạt động với tổng diện tích 1.348ha, trong đó có 9 khu công nghiệp với diện tích 1.271 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha...

Dù vậy, bà Oanh cũng cho rằng, việc tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, chuỗi phân phối sẽ đem lại nhiều cơ hội, lợi ích cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ tình hình kinh tế địa phương tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ tình hình kinh tế địa phương tại sự kiện. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

“Hiểu theo nghĩa rộng, chuỗi giá trị là một phức hợp những hoạt động do nhiều người tham gia khác nhau thực hiện để biến một nguyên liệu thô và chuyển dịch theo các mối liên kết với các doanh nghiệp khác trong kinh doanh, lắp ráp, chế biến… với người tiêu dùng cuối cùng,” bà Oanh nhận định.

Hiện nay, trong lĩnh vực cơ khí, TP Hà Nội đã hình thành, phát triển các cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm cơ khí tạo ra sức cạnh tranh cao như Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ngành điện tử; Khu công nghiệp Nội Bài, Quang Minh tập trung nhiều doanh nghiệp cơ khí ô tô xe máy...

"Do tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất cùng một lĩnh vực nên tạo ra động lực cạnh tranh phát triển rất lớn. Khu cụm công nghiệp liên kết còn cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải… Sự hợp tác này cho phép giảm thiểu rất nhiều về chi phí, tồn kho, thời gian giao nhận. Ngoài ra, khu cụm công nghiệp liên kết còn có lợi thế nhanh chóng triển khai ứng dụng, lan tỏa, chuyển giao tri thức và công nghệ mới...," theo bà Nguyễn Kiều Oanh.

Hà Nội cũng đang tập trung liên kết phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghệ hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh sự liên kết cung ứng, xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đã phát triển trong vùng như sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc)…

Mục tiêu cụ thể của TP Hà Nội đến năm 2025 sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội. Trong đó có 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Đến nay, số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ khu vực chế tạo tại Hà Nội đang tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang đứng đầu cả nước với khoảng 350 doanh nghiệp. Trong đó nhóm phát triển nhất là khu vực sản xuất cơ khí, chiếm gần 80% doanh nghiệp.

Ngày 4/5/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 368/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vùng Đồng bằng sông Hồng được định hướng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; có nền công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường; đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lien-ket-de-tao-dot-pha-kinh-te-cho-vung-dong-bang-song-hong-post35406.html