Liên kết để vươn xa
Để nâng cao giá trị cho nông sản, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiện đại, thúc đẩy liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu dùng, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP) và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL ưu tiên phát triển sản xuất lúa gạo - thủy sản - trái cây thì nay đã được Chính phủ định hướng "xoay trục" chiến lược thành thủy sản - trái cây - lúa gạo. Sự chuyển đổi này đưa nền nông nghiệp ĐBSCL nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường.
Từ sự "xoay trục" đó, ĐBSCL cũng mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến đã đóng góp tới 30% vào giá trị sản lượng sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL. Nhiều mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng thành công, giúp người nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và nâng cao giá trị của ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, chương trình đột phá ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của Long An đã góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng các mặt hàng nông sản, đáp ứng được các đơn đặt hàng của doanh nghiệp (DN). Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã góp phần giảm giá thành, tạo được sản phẩm chất lượng cao, ATTP, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL còn thực hiện các chương trình liên kết quốc tế phát triển nông nghiệp, đặc biệt với các quốc gia như: Hà Lan, Israel. Tháng 4/2019, Chính phủ hai nước Việt Nam - Hà Lan đã ký Biên bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác, nhằm triển khai Chương trình Chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL (MD- ATP). Theo đó, MD- ATP triển khai việc chuyển đổi sang chuyên môn hóa tập trung trong kinh doanh nông nghiệp. Đến nay, mạng lưới liên kết ABCD Mekong gồm 4 địa phương: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp cùng phối hợp xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn, vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị, vùng cây ăn trái đặc sản, vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học, vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng…
Đẩy mạnh liên kết
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng là: Sản phẩm tốt nhưng thiếu sự liên kết, quảng bá và xây dựng thương hiệu. Trước thực trạng này, theo bà Võ Phương Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp: Thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp tìm kiếm các nhà phân phối hoặc một số DN lớn để dẫn dắt chuỗi. Cùng với đó, thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường tới các hộ nông dân và DN trong tỉnh, giúp họ nắm rõ, có định hướng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cũng đề cập đến vấn đề liên kết sản xuất nông sản, ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre - chia sẻ: Sau hai năm thực hiện chuỗi giá trị dừa, tỉnh Bến Tre đã hình thành 9 hợp tác xã, 37 tổ hợp tác, 11 tổ liên kết với quy mô 1.841 ha, thu hút 2.408 thành viên tham gia và được các DN liên kết tiêu thụ. Ngoài ra, các "ông lớn" trong ngành chế biến dừa như: Betrimex, chế biến dừa Lương Quới, Á Châu… cũng xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, Nhật Bản, EU... để xuất khẩu sản phẩm.
Tương tự, tỉnh Long An đã đẩy mạnh quá trình liên kết giữa người sản xuất và các DN chế biến, hệ thống phân phối để đưa nông sản của tỉnh mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, sản lượng nông sản của Long An đưa về tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) chiếm số lượng nhiều nhất khu vực ĐBSCL và chiếm khoảng 14% sản lượng nông sản tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là tín hiệu quan trọng, khuyến khích nông dân Long An đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông sản.
Theo kế hoạch, giai đoạn đầu từ năm 2020 - 2023, MD - ATP sẽ xúc tiến phát triển các chuỗi giá trị nông nghiệp tại 6vùng sinh thái nông nghiệp của ĐBSCL. Giai đoạn tiếp theo, bài học từ việc phát triển các chuỗi giá trị kể trên sẽ được vận dụng vào các chuỗi sản xuất nông nghiệp tại những địa phương khác.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-ket-de-vuon-xa-130940.html