Liên kết doanh nghiệp - nông dân phát triển nông, thủy sản sinh thái
Sự tham gia tích cực doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, chịu khó của nông dân sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trong nước và vươn xa ra trường quốc tế.
Sáng 18/12, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng nhà nông và phát triển bền vững năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và bền vững đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Với những kỷ lục về xuất khẩu nông lâm thủy sản có được của năm 2024, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, doanh nghiệp đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này vẫn còn khá khiêm tốn do cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không đủ mạnh, cách huy động, kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chưa thật sự tốt nên vẫn chưa có sức hấp dẫn, cuốn hút doanh nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà nông còn chưa thật sự tốt, người nông dân vẫn bị động từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Xuân Hùng mong muốn, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp hoặc đang hoạt động tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội đối thoại, giao lưu và thông qua truyền thông để truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… đến các cơ quan chức năng. Qua đó, để kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn hiện nay, cùng nhau chung tay xây dựng một nền nông nghiệp phát triển xanh, bền vững.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của mặt hàng tôm xuất khẩu trên thị trường thế giới, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chia sẻ, giá thành sản xuất tôm Việt Nam còn rất cao so với các nước xuất khẩu tôm mạnh. Nhưng Việt Nam lại có thế mạnh trong sản xuất tôm theo sinh thái. Tập đoàn rất mong muốn được kiên kết hợp tác để cùng nông dân làm giàu với hai mô hình: lúa thơm tôm sạch và tôm rừng mangrove-carbon zero (cây đước).
Nhưng để mô hình phát triển và bền vững thì cần sự liên kết, để cùng làm giàu. Nhiều hộ cùng hợp tác để thành các tổ hợp tác, tạo thành vùng trồng lúa nuôi tôm từ 7-10 ha. Các nhà mua tôm của thế giới đều đã yêu cầu bắt buộc phải có truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận hữu cơ, sinh thái. Việc liên kết như vậy mới đủ “sức” làm chứng nhận, tăng năng suất, chất lượng đồng đều, giảm chi phí, giá thành sản xuất…
Minh Phú không chỉ nổi tiếng là nhà sản xuất cung ứng tôm giống mà luôn mong muốn chung tay cùng nông dân xây dựng mô hình tạo ra sản phẩm, tạo ra lợi nhuận mà xanh sạch đảm bảo môi trường, ông Lê Văn Quang cho biết.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, với sự tham gia tích cực doanh nghiệp, cùng sự nỗ lực, chịu khó của bà con nông dân sẽ đưa ra những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy một nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả, không những đáp ứng nhu cầu trong nước và còn vươn rộng, vươn xa ra trường quốc tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho người dân, hợp tác xã, hiệp hội, doanh nghiệp. Bộ đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, các nhân là thành viên phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ chuyển đổi số và đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm 2024, ngành nông nghiệp có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhất là thiệt hại của bão số 3. Với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đặc biệt là xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thặng dư thương mại tăng cao kỷ lục; trong đó xuất khẩu ước đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% và xuất siêu 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% so với năm trước.