Liên kết hoạt động công thương vùng ĐBSCL

Với việc đăng cai Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023, UBND tỉnh An Giang muốn kết nối hoạt động giao thương toàn vùng, nhất là khai thác thế mạnh kinh tế biên giới. Qua đó, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hợp tác cùng phát triển.

Cơ hội kết nối

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang là hoạt động nằm trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2023. Qua đó, sẽ giúp các DN phát triển đối tác kinh doanh, mở rộng chi nhánh và đại lý tiêu thụ, liên doanh liên kết, tìm kiếm cơ hội giao thương và hợp tác đầu tư.

Hội chợ còn tạo điều kiện để các ngành, địa phương trong nước, đặc biệt là vùng ĐBSCL liên kết hoạt động công thương để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, đẩy mạnh liên kết xúc tiến thương mại, du lịch (DL) và đầu tư giữa các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy hoạt động giao thương với các DN của Campuchia, Lào, Thái Lan...

Dự kiến, Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 6/6 đến 12/6. Lễ khai mạc hội chợ sẽ diễn ra lúc 18 giờ, ngày 6/6/2023 tại Khu công nghiệp Xuân Tô (phường Tịnh Biên, TX. Tịnh Biên).

Hội chợ sẽ là nơi để ngành công thương, ngành xúc tiến thương mại, đầu tư, DL các tỉnh, thành phố, hiệp hội ngành hàng và các DN tham gia trưng bày, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các DN có thương hiệu mạnh, DN đang phát triển và có định hướng tiếp cận vào thị trường Campuchia, Lào, Thái Lan. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các DN đến từ Vương quốc Campuchia.

“Đến với hội chợ, các đơn vị và DN sẽ có cơ hội quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sang Campuchia và phát triển con đường thương mại sang các nước ASEAN.

Đồng thời, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế trên lĩnh vực thương mại, đầu tư và DL giữa Việt Nam và các nước ASEAN, đáp ứng mong muốn của các DN vùng ĐBSCL nói riêng và các tỉnh, thành phố cả nước nói chung, trong chiến lược phát triển thị trường và hội nhập quốc tế” - ông Trần Anh Thư nhấn mạnh.

Chuẩn bị chu đáo

Với quy mô khoảng 330 gian hàng, ban tổ chức sẽ bố trí khu vực trưng bày chung với 50 gian hàng triển lãm sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc trưng hoặc các thành tựu công - nông nghiệp, kinh tế, văn hóa địa phương của các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và cả nước.

Về khu gian hàng tỉnh An Giang, sẽ do các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tham gia triển lãm các thành tựu công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, văn hóa; sản phẩm đặc trưng của các địa phương; sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ; sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu...

Với khu vực dành riêng cho DN ngoài tỉnh (dự kiến 250 gian hàng) sẽ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương do các đơn vị phụ trách lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư và DL, lĩnh vực công thương các tỉnh, thành phố và DN có nhu cầu tham gia. Ngoài ra, còn có khu vực dành cho DN Campuchia, Thái Lan, Lào... trưng bày các sản phẩm đặc thù.

UBND tỉnh An Giang đã phân công cho các sở, ngành, địa phương, các đơn vị liên quan tích cực chuẩn bị những đầu công việc cần thiết để hội chợ diễn ra thành công. Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) An Giang chịu trách nhiệm chính về xây dựng kế hoạch và phối hợp triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch đấu thầu và chịu trách nhiệm các thủ tục công tác đấu thầu đúng quy định, ký kết hợp đồng với đơn vị trúng thầu. Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, vận động các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh; các DN trong và ngoài nước tham gia hội chợ.

Trung tâm XTTM&ĐT An Giang chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành thông cáo báo chí, làm đầu mối cung cấp thông tin, chuẩn bị công tác hậu cần cho báo chí, như: Thư mời, thẻ tác nghiệp… Đơn vị phối hợp thực hiện tuyên truyền, quảng bá trước, trong và sau thời gian diễn ra hội chợ trên báo, đài, các cổng thông tin điện tử, Fanpage của Trung tâm XTTM&ĐT An Giang cùng các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Đối với UBND TX. Tịnh Biên, được giao phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và ban tổ chức hội chợ chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác tổ chức hội chợ; phối hợp với đoàn vận động làm việc với Vương quốc Campuchia; phối hợp Trung tâm XTTM&ĐT An Giang xây dựng kế hoạch đón tiếp khách, lễ tân - hậu cần, phục vụ chiêu đãi trước lễ khai mạc hội chợ.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các sở, ngành, lực lượng công an, quân sự của tỉnh và TX. Tịnh Biên tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, phân luồng, hướng dẫn đại biểu và khách tham quan, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn giao thông và các vấn đề phát sinh khác… nhằm đảm bảo hội chợ diễn ra đúng theo kế hoạch.

Phó UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị để Hội chợ Công Thương vùng ĐBSCL - An Giang năm 2023 trở thành động lực phát triển cho hoạt động giao thương của tỉnh và khu vực ĐBSCL thời gian tới.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lien-ket-hoat-dong-cong-thuong-vung-dbscl-a361537.html