Liên kết hợp tác nghiên cứu và đào tạo

Đối với giáo dục đại học hiện nay, liên kết là yếu tố quan trọng để nâng chất lượng đào tạo, cùng hỗ trợ nhau phát triển.

 Liên kết mạng lưới 7 trường vừa được ký kết lấy sinh viên làm trọng tâm

Liên kết mạng lưới 7 trường vừa được ký kết lấy sinh viên làm trọng tâm

Liên kết mới

Nhìn lại quá trình phát triển giáo dục đại học trong nước, khu vực và ngay trong tỉnh, thấy rõ rằng vẫn còn đó sự cạnh tranh giữa mỗi trường và mỗi khu vực. Chính việc chưa có những cái “bắt tay” cùng nhau hỗ trợ phát triển đã dẫn đến sự phân hóa, lâu dần ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Đại học Huế, Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Đồng Tháp, Trường đại học Vinh, Trường đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Trường đại học Tây Nguyên có chung quan điểm rằng, một trong những hướng đi quan trọng để phát triển các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trên tinh thần xây dựng và phát huy nội lực của đất nước, là các trường đại học cần phải tăng cường hợp tác với nhau nhằm phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên. Đồng thời, hỗ trợ lẫn nhau để hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững. Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Chính vì thế, 7 đơn vị này đã cùng nhau ký vào một bản cam kết thành lập mạng lưới liên kết hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo. Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Duy Tân nhận định, đây chẳng khác nào là “cuộc gặp” lịch sử của những nhà trí thức trong cả nước. Việc hỗ trợ, tận dụng lợi thế của mỗi trường để phát triển sẽ giúp các trường nâng chất lượng, từng bước đáp ứng ngày càng cao của người học.

Trong hợp tác, các trường xác định rất cụ thể về hợp tác nghiên cứu khoa học. Đó là hợp tác trong các dự án nghiên cứu khoa học đa ngành, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật quan trọng của đất nước. Hợp tác tổ chức các nhóm nghiên cứu liên trường; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia và quốc tế; chia sẻ cơ sở vật chất và tài nguyên phục vụ nghiên cứu. Phối hợp thực hiện các công bố khoa học, xây dựng các tạp chí uy tín, thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo nhu cầu của từng khu vực và của cả nước.

Đối với hợp tác phát triển các chương trình đào tạo đa ngành, giúp sinh viên có được nền tảng kiến thức và kỹ năng đa dạng. Từ đó có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội và trở thành những chuyên gia có khả năng làm việc trong nhiều lĩnh vực. Tăng cường hợp tác trong chuyển giao các chương trình tiên tiến, chia sẻ tài nguyên giáo dục và đào tạo. Hợp tác để chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới, chia sẻ tài nguyên giáo dục và đào tạo, từ đó tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và nâng cao chất lượng đào tạo.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định chủ trương phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia và một giải pháp được xác định là liên kết trong đào tạo, nghiên cứu. Thực tế thời gian qua, Đại học Huế đã tận dụng nhiều lợi thế, thực hiện nhiều liên kết để phát triển. Các liên kết đều cho thấy hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Sinh viên là trung tâm

Trường đại học Duy Tân, Đại học Thái Nguyên, Trường đại học Đồng Tháp, Trường đại học Vinh, Trường đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Trường đại học Tây Nguyên đều có những ưu thế và tiềm năng trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, từ đó có thể hỗ trợ và bổ sung cho nhau để tối đa hóa hiệu quả hợp tác. Hợp tác cùng phát triển giữa các bên này dựa trên nguyên tắc, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.

Các trường khẳng định sẵn sàng chuyển giao công nghệ, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và các lĩnh vực hoạt động khác theo sự ưu tiên của các bên nhằm phát huy năng lực và thế mạnh trong các lĩnh vực hoạt động của mỗi bên. Tận dụng hiệu quả tiềm năng về con người, cơ sở vật chất, chuyên môn của các bên, hỗ trợ cùng nhau hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững.

Trong thời gian đến, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên của các trường trong mạng lưới sẽ thường xuyên giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, với nhiều hình thức. Từ đó cùng nhau đưa ra các giải pháp mới, sáng tạo và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Các trường cũng cho biết sẽ chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, theo đó mở rộng cơ hội hợp tác, phát triển các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng trong toàn mạng lưới.

Theo PGS.TS. Lê Anh Phương, mạng lưới có nhiều hợp tác, song mục đích cao nhất là tất cả vì quyền lợi của sinh viên. Sự liên kết này sẽ giúp cho sinh viên tại các trường đại học có cơ hội học tập, giao lưu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, văn hóa vùng miền. Các bên cam kết sẽ cùng nhau xây dựng một môi trường học thuật chuyên nghiệp, đa dạng và sáng tạo, giúp sinh viên và nhà nghiên cứu phát triển tối đa tiềm năng của mình. Hướng đến xây dựng được đội ngũ nhân lực mới, toàn diện hơn để đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS.TS. Lê Anh Phương cho biết thêm, lãnh đạo 7 đơn vị trong mạng lưới sẽ thường xuyên gặp gỡ, cùng đánh giá liên kết theo từng mốc thời gian. Những hiệu quả sẽ được phát huy và hạn chế sẽ khắc phục kịp thời.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tin-tuc-giao-duc/lien-ket-hop-tac-nghien-cuu-va-dao-tao-130717.html