Liên kết là mấu chốt của sản xuất ứng dụng công nghệ cao ở Hiệp Thạnh
Để nông nghiệp công nghệ cao (CNC) thật sự phát triển bền vững, xã Hiệp Thạnh (Đức Trọng) đã nỗ lực kêu gọi doanh nghiệp xây dựng mối liên kết vững chắc với nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Làm nông dân của công ty
Ông Lê Văn Hùng và 6 thành viên, ở thôn Bồng Lai, Hiệp Thạnh đã liên kết với Công ty MM Mequa Market để sản xuất 7 ha rau sạch cung ứng ra thị trường.
Việc liên kết sản xuất để cung ứng cho các công ty không chỉ giúp nông dân ở Bồng Lai yên tâm sản xuất mà còn hướng đến sản xuất bền vững bởi các mặt hàng nông sản sạch. Ông Hùng kể: “Cũng như nhiều hộ nông dân khác, lúc đầu tôi trồng rau theo kiểu tự phát nhưng thấy cách làm này rủi ro cao, hiệu quả thấp nên tìm cách thay đổi. May mắn nhà tôi có con trai làm cho hệ thống Mequa Market, phụ trách phát triển vùng nguyên liệu của công ty. Thế là con tôi khuyên tôi tham gia vào chuỗi trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi nghĩ nên tham gia xem sao, không ngờ cách này mang lại hiệu quả.
Mới chỉ tham gia vào đầu năm 2020, thế nhưng, sau 2 lần thu hoạch hiệu quả hơn hẵn. Chúng tôi phải tuân thủ quy trình ghi nhật ký cho rau. Ngày trồng, ngày bón phân hay bơm thuốc đều phải được ghi lại tỉ mỉ để có thể truy xuất nguồn gốc rau, quả”.
Đại diện Công ty MM Mequa Market cho biết, đối với nhiều nông dân sản xuất tự phát, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn bởi họ phải biết cách quản lý đất sản xuất, giống cây trồng, phân bón, nước tưới, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch... Đây là những tiêu chuẩn cơ bản, nhưng không phải nông dân nào cũng có thể đạt yêu cầu. Tuy nhiên, qua tập huấn, các nông dân đều nghiêm túc tiếp cận và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, họ đã làm chủ được quy trình. Mỗi vùng nguyên liệu, METRO đều cử 1 kỹ sư nông nghiệp theo sát. Thông qua ghi chép thường xuyên, dưới sự hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn, đánh giá, kiểm tra chất lượng từ METRO, người nông dân luôn có những điều chỉnh kịp thời, để cung cấp cho thị trường sản phẩm an toàn nhất. Theo lịch vụ, tùy nhu cầu của thị trường, các diện tích trồng trọt sẽ luân canh. Nông dân làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó. Điều này khiến công ty kiểm soát được đầu vào của sản phẩm, đảm bảo đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Đưa chúng tôi đi thăm những ruộng súp lơ, cà chua, cải thảo trải ngút tầm mắt, ông Hùng hồ hởi: “Tổ hợp tác rau an toàn Bồng Lai của chúng tôi hiện có 6 thành viên với diện tích sản xuất khoảng 7 ha, trồng nhiều loại rau, củ. Tất cả sản phẩm đều cung cấp cho METRO. Kể cả những lúc nông sản rớt giá thì nông dân tham gia hệ thống với công ty cũng được đảm bảo không bị lỗ vốn, bởi METRO dự báo thị trường khá chính xác. Chúng tôi trở thành nông dân của công ty nên nông sản được trực tiếp thu mua tại vườn, không qua trung gian, do đó vừa đỡ kinh phí, vừa tạo cho người nông dân có đầu ra ổn định.
Thúc đẩy liên kết
Trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là năm 2015, câu chuyện liên minh, liên kết trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được quan tâm. Chính vì vậy, tình hình phát triển của HTX, tổ hợp tác gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hiệp Thạnh tiếp tục duy trì và phát triển, đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân liên kết làm ăn có hiệu quả.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu kinh doanh cung cấp dịch vụ vật tư đầu vào và làm trung gian phân phối tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Qua đó, đã xuất hiện một số doanh nghiệp tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất và người tiêu dùng. Có thể kể đến THT Hương sắc Đà Lạt với 7 thành viên, được đánh giá là điển hình tiên tiến trong liên kết sản xuất tại địa phương, HTX SX-TM-DV Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng dưa lưới) tại thôn Bắc Hội và THT rau sạch Bồng Lai….
Thực tế, người sản xuất hiện nay ở Hiệp Thạnh chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa tuân thủ quy trình sản xuất, chưa tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng người tiêu dùng. Các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát, mạnh ai người đó làm, nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định. Hiện nay, diện tích rau, hoa ứng dụng CNC trên địa bàn xã Hiệp Thạnh tăng lên đáng kể, năng suất đạt cao hơn so với trước. Diện tích nông nghiệp CNC toàn xã đạt 718,8 ha, trong đó, nhà lưới: 11,4 ha, nhà kính là 34,4 ha, diện tích tưới tự động 673 ha. Về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đến nay có 738 hộ có liên kết và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, 226 hộ chăn nuôi bò sữa có hợp đồng liên kết trực tiếp với doanh nghiệp, 498 hộ trồng trọt hợp đồng với thương lái thu mua nông sản, 7 hộ liên kết trồng lan Vũ Nữ, 7 hộ sản xuất rau an toàn. Qua đó, đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha gieo trồng không ngừng tăng từ 250 triệu đồng lên 342 triệu đồng.
Ông Phan Quang Thạnh, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết, thời gian qua, xã xác định phải xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là đối với sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC. Qua đó, xã đã khuyến khích nông dân liên kết, hợp tác, phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao KH-KT và các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hỗ trợ nông dân phát triển trang trại sản xuất có hiệu quả. Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tổ chức các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm.