Liên kết 'lò đơn' thành làng nghề

Nhắc đến Sông Mã, hẳn nhiều người nhớ ngay đến miền đất của những trận gió Lào cuồn cuộn, khô nóng, nhưng lại nổi tiếng bởi những trái nhãn ngọt đậm, dày cùi và long nhãn cũng mang hương vị rất đặc trưng. Cùng với sự phát triển của cây nhãn, nghề làm long nhãn nơi đây cũng đã duy trì lâu đời và ngày càng khẳng định vai trò trong việc tiêu thụ quả nhãn tươi cho người dân. Tuy nhiên, nghề này chỉ dừng lại ở quy mô sản xuất hộ gia đình đơn lẻ. Huyện Sông Mã đang chủ trương liên kết các'lò đơn' thành 'làng nghề' chế biến long nhãn tại xã Chiềng Khoong, từng bước xây dựng thương hiệu long nhãn Sông Mã.

“Cái nôi” của nghề làm long nhãn

Về huyện Sông Mã những ngày này, dọc 2 bên đường, trong vườn nhà đến các nương, bãi, sườn đồi, đâu đâu cũng là hình ảnh những chùm nhãn lúc lỉu, trĩu cành. Cây nhãn gắn bó lâu đời và đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.

Người nông dân chăm sóc nhãn thời kỳ đậu quả.

Người nông dân chăm sóc nhãn thời kỳ đậu quả.

Trò chuyện với các cụ cao niên ở xã Chiềng Khoong, chúng tôi được nghe câu chuyện về hành trình mang cây nhãn lên vùng đất này. Vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, theo lời kêu gọi của Đảng, nhiều người dân của tỉnh Hưng Yên lên Sông Mã xây dựng quê hương mới. Hầu như hộ nào cũng mang theo cây nhãn lồng Hưng Yên để trồng như kỷ vật để nhớ về quê hương. Trải qua năm tháng, nhận thấy cây nhãn lồng Hưng Yên phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây, người dân đã ươm cây giống để mở rộng diện tích trồng nhãn. Trong đó, xã Chiềng Khoong có bản Hải Sơn trồng nhãn từ năm 1964 và bản Hồng Nam trồng từ năm 1977. Đây cũng chính là cái “nôi” của nghề làm long nhãn.

Hào hứng với câu chuyện về nghề làm long nhãn nơi đây, ông Đào Mạnh Hồng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, kể: Thời đó, người dân sấy cả quả nhãn tươi bằng lò thủ công và sử dụng củi làm nhiên liệu. Đến năm 2000, người dân mới chuyển sang sấy thêm cả nhãn đã xoáy bỏ vỏ, bỏ hạt. Rồi chuyển từ phương pháp sấy thủ công sang sấy hơi, cho sản phẩm long chất lượng, mẫu mã đẹp hơn. Cả bản giờ có hơn 50 hộ làm long nhãn, trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 3.000 tấn quả nhãn tươi.

Cán bộ xã Chiềng Khoong kiểm tra sản xuất vụ nhãn năm 2021 trên địa bàn.

Cán bộ xã Chiềng Khoong kiểm tra sản xuất vụ nhãn năm 2021 trên địa bàn.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng từ giữa tháng 7 trở đi là các lò sấy long nhãn bắt đầu hoạt động. Khi đó, cả bản vui như trẩy hội, trẻ em, người lớn háo hức đi xoáy nhãn thuê cho các cơ sở sấy long. Từ 4 giờ sáng, đèn điện đã thắp sáng cả bản và công việc làm long kéo dài đến nửa đêm. Cơ sở sấy nào ít thì thuê khoảng 30 - 40 người, những cơ sở quy mô lớn có thể thuê cả trăm người làm. Trung bình mỗi người xoáy được 50-70 kg cùi nhãn/ngày và được trả công từ 3.000 - 3.500 đồng/kg.

Ghé thăm lò sấy long nhãn của ông Hoàng Văn Hậu, một trong những lò sấy có tiếng ở bản Hồng Nam. Ông Hậu chia sẻ: Mỗi mẻ long nhãn sẽ ra lò sau 12 đến 16 giờ đồng hồ tùy theo nhiệt độ cao hay thấp, long nhãn sau khi ra lò thường có độ ẩm từ 15-20%, chuyển sang màu vàng nâu, khi ăn có vị ngọt thơm hấp dẫn. Vào vụ, trung bình một ngày gia đình tôi thuê khoảng 40 người làm, với 3 tấn nhãn tươi. Sau khi sấy, thu khoảng 300 kg long nhãn thành phẩm. Tùy thời vụ, long nhãn có giá giao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg. Năm nay nhãn được mùa, gia đình tôi đã tu sửa các thiết bị, giàn sấy, lò sấy và chuẩn bị chất đốt để sẵn sàng cho ra lò những mẻ long nhãn mới.

Theo số liệu thống kê, xã Chiềng Khoong hiện có 1.140 ha cây ăn quả các loại; trong đó, 915 ha nhãn, sản lượng khoảng 6.400 tấn/năm. Trên địa bàn 2 bản Hồng Nam và Hải Sơn có 105 hộ sấy long nhãn với sản lượng tiêu thụ trên 7.000 tấn nhãn tươi/năm. Như vậy, có thể thấy, sản lượng nhãn trên địa bàn xã không đủ cung cấp cho các lò sấy của 2 bản này. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn một số lò sấy nhãn rải rác nằm ở các bản, như: Liên Phương, C5, Púng Kiểng, Khoong Tở. Bởi vậy, hằng năm các lò sấy trên địa bàn xã Chiềng Khoong phải nhập thêm nhãn từ các xã trong và ngoài huyện.

Lợi ích từ nghề

Hiện hữu trong câu chuyện nghề làm long nhãn là sự năng động của người dân nơi đây. Anh Trần Văn Tuấn, chủ cơ sở chế biến long nhãn ở bản Hải Sơn, chia sẻ: Xưởng sấy long nhãn của gia đình tôi tiêu thụ khoảng 600 tấn nhãn quả/năm, không chỉ của người dân trong huyện mà còn ở các huyện lân cận, như: Yên Châu, Mai Sơn. Để thu mua nhãn nhiều nhất có thể cho người dân cũng như kéo dài thời vụ sấy long, gia đình tôi đầu tư các container lạnh để bảo quản nhãn tươi, sau khi kết thúc vụ thu hoạch nhãn gia đình tôi vẫn còn đủ nhãn quả để cho lò sấy tiếp tục hoạt động 2 tháng sau đó. Nhờ đó, đã kéo dài thời vụ sấy long, tránh tình trạng dồn ép quá công suất khi vào chính vụ thu hoạch nhãn và có sản phẩm long nhãn chất lượng, cung cấp thường xuyên, liên tục cho thị trường trong và ngoài nước.

Người dân xã Nà Nghịu (Sông Mã) có thêm thu nhập từ nhận xoáy long nhãn.

Người dân xã Nà Nghịu (Sông Mã) có thêm thu nhập từ nhận xoáy long nhãn.

Ảnh: PV

Nổi bật giữa bạt ngàn vùng nhãn ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong là những vườn nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ của HTX Hoàng Tuấn, đây cũng là đơn vị tiên phong trong việc sản xuất, xuất khẩu nhãn của huyện Sông Mã, ông Đào Ngọc Bằng, Giám đốc HTX Hoàng Tuấn, xã Chiềng Khoong, cho biết: HTX có hơn 30 ha nhãn; trong đó, có 26,5 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Thế nhưng, không phải năm nào, việc xuất khẩu cũng thuận lợi và sản lượng nhãn xuất khẩu cũng không nhiều bởi các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Nhờ có những cơ sở sấy long nhãn nên toàn bộ sản lượng nhãn còn lại sau khi xuất khẩu và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ được bán cho các cơ sở chế biến long trên địa bàn, rất thuận lợi cho người trồng nhãn.

Sông Mã hiện có trên 7.200 ha nhãn, sản lượng quả ước đạt khoảng 70.186 tấn. Mục tiêu năm 2021 toàn huyện xuất khẩu 14.500 tấn nhãn; trong đó, xuất khẩu 4.200 tấn quả tươi và 10,3 tấn long nhãn, tương đương với 10.300 tấn quả tươi. Trong câu chuyện muôn thủa trong nông nghiệp là “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa” nhưng đối với huyện Sông Mã chưa năm nào phải hỗ trợ tiêu thụ nhãn. Điều đó là nhờ những cơ sở sơ chế long nhãn. Năm 2020, Sông Mã có khoảng 600 lò sấy, trung bình vào thời điểm chính vụ cần 450 tấn quả nhãn tươi/ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của các lò sấy, với thời gian vụ nhãn kéo dài khoảng 2 tháng thì số lượng quả nhãn tươi cần để cung cấp cho các lò sấy vào khoảng trên 27.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Năm nay, lường trước tình hình phức tạp của dịch bệnh COVID-19, việc xuất khẩu quả nhãn tươi sẽ bị ảnh hưởng, nên huyện đã chỉ đạo các xã khuyến khích người dân xây dựng thêm các lò sấy để tiêu thụ nhãn trên địa bàn, long nhãn sấy khô sẽ được dự trữ và đón đầu thị trường xuất khẩu khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và thị trường xuất khẩu dần khởi sắc trở lại.

Vui mừng hơn, năm nay, toàn huyện sẽ có khoảng trên 700 lò sấy long nhãn, tiêu thụ trên 30.000 tấn quả nhãn tươi. Mỗi lò sấy sẽ sử dụng từ 30-100 lao động tùy quy mô, công suất; bình quân sẽ có khoảng 21.000 lao động thời vụ có mức thu nhập bình quân khoảng 200.000 đồng/ngày và kéo dài khoảng 2 tháng.

Mong muốn thành lập làng nghề

“Thành lập làng nghề chế biến long nhãn là hết sức cần thiết, vừa giải quyết được việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động, vừa góp phần quảng bá, giới thiệu thương hiệu long nhãn Sông Mã đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước”. Đó là khẳng định của anh Đặng Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoong, anh cũng là người dành nhiều công sức, thời gian và tâm huyết cho việc thành lập làng nghề chế biến long nhãn.

Việc hình thành làng nghề chế biến long nhãn ở Sông Mã không chỉ để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản mùa vụ trước mắt, mà cái được hơn là câu chuyện gắn kết giữa người trồng nhãn và người tiêu thụ nhãn. Đặc biệt, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, vừa chủ động trong tiêu thụ sản phẩm cho bà con, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn, tạo sự đa dạng về sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Xa hơn nữa là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, xây dựng và duy trì thương hiệu long nhãn Sông Mã, tạo ra đặc sản mang dấu ấn của mảnh đất, con người nơi biên giới còn nhiều khó khăn này.

Lò sấy long nhãn ở xã Chiềng Khoong.

Lò sấy long nhãn ở xã Chiềng Khoong.

Khi đã hình thành làng nghề, người dân sẽ nhận được chính sách ưu đãi về đầu tư tín dụng; xúc tiến thương mại; khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực; cơ sở hạ tầng... Nếu thành công, thì làng nghề chế biến long nhãn ở xã Chiềng Khoong là làng nghề đầu tiên của tỉnh, không chỉ góp phần chế biến nông sản mà còn là tiền đề để phát triển du lịch trên địa bàn. Hiểu được lợi ích đó, nhiều người dân ở Chiềng Khoong bày tỏ mong muốn được tỉnh, huyện, xã quan tâm hỗ trợ để hiện thực hóa việc thành lập làng nghề sớm nhất có thể.

“Huyện đã có báo cáo khảo sát và được Thường trực huyện ủy nhất trí chủ trương thành lập làng nghề chế biến long nhãn ở xã Chiềng Khoong. Hiện, huyện đang xin ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thành lập làng nghề. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban chuyên môn phối hợp với các sở, ngành để hoàn thiện việc đánh giá yếu tố tác động đến môi trường khi thành lập làng nghề, bởi đây là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của làng nghề sau này”, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin thêm.

Những cái được từ làng nghề mang lại đang là câu chuyện trước mắt, nhưng có thể khẳng định, nghề làm long nhãn ở xã Chiềng Khoong nói riêng, huyện Sông Mã nói chung đang tạo chỗ dựa vững chắc, là tiền đề cho sự phát triển bền vững của cây nhãn nơi đây.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lien-ket-lo-don-thanh-lang-nghe-40636