Liên kết nông dân cùng khởi nghiệp

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khơi nguồn, nhân rộng Phong trào Khởi nghiệp trong nông dân (ND) có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Tổ hợp tác Trồng rau thủy canh xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu liên kết nhiều nông dân đầu tư công nghệ cao trồng rau thủy canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bình Nguyên

Tổ hợp tác Trồng rau thủy canh xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu liên kết nhiều nông dân đầu tư công nghệ cao trồng rau thủy canh đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Bình Nguyên

Phong trào ND khởi nghiệp càng có ý nghĩa khi không chỉ là câu chuyện khởi nghiệp làm giàu của riêng từng doanh nghiệp hay từng hộ ND mà đã hình thành các mô hình liên kết, hợp tác để nhiều hội viên, ND cùng tham gia.

Cùng nhau làm giàu

Dự án Phát triển chuỗi phòng nuôi đông trùng hạ thảo - nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt (huyện Trảng Bom) vừa đoạt giải ba Chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp quốc gia 2024. Doanh nghiệp này đã đầu tư nghiên cứu công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo, chuyên cung cấp phôi giống, hỗ trợ kỹ thuật cho ND tham gia tổ chức phòng nuôi.

Ông Trần Văn Khảm, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư công nghệ Rồng Việt, cho biết đông trùng hạ thảo là sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, ngoài thị trường hiện nay, hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan. Do đó, doanh nghiệp mong muốn phát triển chuỗi phòng nuôi để đưa sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng với giá cả phải chăng đến tận tay người tiêu dùng. Doanh nghiệp rất mong đồng hành với các hộ ND để nhân rộng các phòng nuôi đông trùng hạ theo theo mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao. Với diện tích khoảng 12m2 là ND có thể đầu tư được 1 phòng nuôi hiệu quả, đạt chất lượng an toàn. Với mô hình làm những phòng nuôi nhỏ này, sản phẩm cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng ở xung quanh hoặc bán qua các kênh thương mại điện tử, cắt giảm được các khâu trung gian để cả ND và người tiêu dùng cùng hưởng lợi.

Hội ND tỉnh còn là đầu mối liên kết giữa ND với các doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng và các tổ chức tín dụng để hỗ trợ ND đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND sẽ ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cán bộ hội và hội viên ND.

Một mô hình liên kết ND cùng khởi nghiệp hiệu quả là Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc. Tổ hợp tác đã liên kết các vườn cây ăn trái tại địa phương thành chuỗi khép kín theo mô hình làng du lịch cộng đồng. Trong đó, mỗi vườn ăn trái có sản phẩm đặc trưng như đến vườn bưởi thì du khách được thưởng thức chè bưởi, trà hoa bưởi; đến vườn mít thì được dùng rau câu mít, mít sấy…

Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái xã Xuân Bắc chia sẻ, thời gian đầu, mô hình Vườn hoa Xuân Bắc của gia đình ông chỉ hoạt động vào các dịp lễ, Tết nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng khi hình thành được mô hình làng du lịch cộng đồng, Tổ hợp tác Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái xã Xuân Bắc đã ký kết hợp tác với công ty du lịch lữ hành làm mô hình nông trại giáo dục kỹ năng cho học sinh các cấp đến trải nghiệm làm nông, cuộc sống nhà nông. Chỉ tính 5 tháng hoạt động gần đây, vườn cây Xuân Bắc đã đón hơn 20 ngàn lượt học sinh.

Tiếp sức cho nông dân khởi nghiệp

Nhiều năm qua, Hội ND tỉnh tập trung triển khai Đề án Nâng cao vai trò của Hội ND Việt Nam trong việc hỗ trợ ND khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo giai đoạn 2020-2025. Đề án đã tập trung vào các nội dung như: tư vấn, định hướng cho hội viên, ND lựa chọn mô hình phát triển sản xuất kinh doanh; cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên, ND khởi nghiệp sáng tạo, giúp họ khởi nghiệp thành công.

Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp, khuyến khích nhiều hội viên, ND mạnh dạn đổi mới trong sản xuất, có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công với nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tiêu biểu như mô hình hộ ND Đặng Thanh Lâm tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch vừa là đại lý thức ăn, vật tư phục vụ nuôi tôm, vừa đầu tư nuôi tôm với thu nhập trên 20 tỷ đồng/năm. Hộ ND này đã tạo việc làm ổn định cho 15 hội viên, giúp đỡ hộ nghèo, khó khăn về vốn, công cụ sản xuất, bán hàng trả chậm cho 30 hội viên.

Mô hình Hợp tác xã Dâu tằm tơ Đăk Lua (huyện Tân Phú) đã ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, đầu tư xây dựng xưởng ươm tơ với hệ thống máy móc hiện đại đã mang lại thu nhập cao, ổn định cho xã viên. Hàng năm, hợp tác xã hướng dẫn và phổ biến kiến thức kinh nghiệm kinh doanh cho 50 lao động, tổ chức thu mua hơn 200 tấn kén cho ND...

Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND đã tiếp sức cho nhiều ND đầu tư vào sản xuất, khởi nghiệp làm giàu với nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao như: mô hình sản xuất nấm mèo giống, trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi tôm công nghệ cao...

Theo Phó chủ tịch Hội DN tỉnh Đoàn Minh Trí, thời gian tới, hội sẽ tập trung tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm ND khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp ND hình thành ý tưởng, nuôi dưỡng khát vọng và quyết tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những ND xuất sắc, nhà khoa học của nhà nông, ND sản xuất kinh doanh giỏi; góp phần định hướng, dẫn dắt, động viên, cổ vũ hội viên, ND thi đua khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, làm giàu. Đặc biệt, hội sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức và kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là những kiến thức về quản lý nhân sự, quản trị kinh doanh, tài chính, marketing... là những kỹ năng ND đang thiếu và yếu.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202412/lien-ket-nong-dan-cung-khoi-nghiep-27848df/