Liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì

Thời điểm này, bà con nông dân huyện miền núi Tịnh Biên, tỉnh An Giang tất bật bước vào vụ thu hoạch khoai mì (sắn) với tâm lý phấn khởi. Mô hình liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì đã góp phần đáng kể trong phát triển đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Đây là năm thứ 2, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tịnh Biên phối hợp cùng Tập đoàn Sao Mai thực hiện Đề án liên kết phát triển vùng nguyên liệu khoai mì ở nơi có đất sản xuất kém hiệu quả. Gần 100 héc-ta khoai mì giống KM140 của các hộ dân trong vùng liên kết được trồng chủ yếu tại các xã: Văn Giáo, An Cư, An Hảo. Những hộ tham gia chuỗi liên kết cho biết, trước đây, trồng giống mì địa phương năng suất chỉ đạt tối đa 27 tấn/héc-ta do địa hình và thổ nhưỡng của vùng đất núi rất kén các loại cây trồng, giá cả thị trường không ổn định nên cuộc sống rất bấp bênh. Kể từ khi tham gia vào Đề án liên kết sản xuất, giống khoai mì KM140 do Tập đoàn Sao Mai cung cấp đã thích nghi tốt với điều kiện đất đai, khí hậu. Giống khoai mì mới đạt năng suất 40 tấn/héc-ta trở lên, tăng hơn 10 tấn/héc-ta và được doanh nghiệp bao tiêu với giá 130.000 đồng/tạ (75kg), cao hơn giá thị trường khoảng 30.000 đồng/tạ. Năng suất cao, sản phẩm được bao tiêu giá cao đã tạo tâm lý phấn khởi trong bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer. Một hộ đồng bào Khmer tham gia mô hình cho biết: Trước kia, trồng giống mì địa phương, năng suất chỉ đạt tối đa 27 tấn/héc-ta mà không được doanh nghiệp bao tiêu, giá cả thị trường không ổn định nên thu nhập bấp bênh. Tham gia mô hình, ngay từ vụ thứ 2, khoai mì đã đạt năng suất 42 tấn/héc-ta do đã có kinh nghiệm canh tác KM140 thí điểm từ năm trước.

Bà con được hỗ trợ kỹ thuật khi tham gia dự án

Bà con được hỗ trợ kỹ thuật khi tham gia dự án

Hiện Tập đoàn Sao Mai đã tăng diện tích mì lên gần 100 héc-ta, với 64 hộ dân của 7 xã, thị trấn của huyện Tịnh Biên tham gia. Tập đoàn Sao Mai sẽ hỗ trợ cho nông dân giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm; ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Trên cơ sở thực hiện mô hình tại xã điểm, tiếp tục vận động nông dân tham gia thực hiện chuỗi liên kết nhằm đem lại lợi nhuận cao cho người dân với diện tích khoảng 2.000 héc-ta tại 6 xã: An Cư, Văn Giáo, Tân Lợi, An Hảo, An Phú và Vĩnh Trung.

Theo kế hoạch, từ năm 2020 trở đi, diện tích vùng liên kết sẽ liên tục phát triển. Phấn đấu đến năm 2022, diện tích đạt 5.000 héc-ta ở cả 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, giải quyết việc làm cho thêm khoảng 2.000 lao động, góp phần đáng kể trong phát triển đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đề án liên kết cũng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đánh giá cao, mở ra hướng đi mới cho cây khoai mì xứ núi Tịnh Biên trong việc tổ chức lại sản xuất, gắn kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Sở cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hỗ trợ huyện Tịnh Biên hướng dẫn bà con tổ chức sản xuất gắn kết với doanh nghiệp để phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng mô hình trong đồng bào dân tộc Khmer.

Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu và liên kết theo chuỗi giá trị mới gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp với người dân và được hưởng các chính sách hỗ trợ thiết thực từ dự án trong quá trình sản xuất cây khoai mì trên địa bàn huyện miền núi Tịnh Biên.

Phương Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-ket-phat-trien-vung-nguyen-lieu-khoai-mi-134142.html