Liên kết sản xuất bưởi da xanh

Các loại cây ăn trái nói chung và bưởi da xanh nói riêng ở huyện Phú Tân đến nay vẫn là cây trồng mới. Nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng đã ghi nhận những thành công bước đầu với cây bưởi, nhưng kinh nghiệm về kỹ thuật, đầu ra, liên kết theo hướng bền vững vẫn chưa có. Để giúp nông dân sản xuất hiệu quả, huyện và xã đã tập hợp những người trồng bưởi da xanh tiên phong trên địa bàn thành lập câu lạc bộ (CLB).

Tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của nông dân tại xã Phú Thạnh

CLB nông dân giỏi bưởi da xanh xã Phú Thạnh ra đời từ tâm huyết của lãnh đạo xã Phú Thạnh, bởi địa phương đang dẫn đầu diện tích trồng bưởi với hơn 20ha. Ngoài nông dân trên địa bàn xã, CLB còn có sự tham gia của tất cả nông dân trồng bưởi ở 17 xã, thị trấn còn lại của huyện. Trong đó, nhiều người trồng diện tích lớn, cho hiệu quả kinh tế như ông Nguyễn Phú Hộ (xã Bình Thạnh Đông), hiện có 2ha trồng bưởi da xanh. Qua năm thứ 3, ông đã thu hoạch đợt đầu tiên bán thời điểm Tết Nguyên đán và tiếp tục tuyển trái bán kéo dài đến nay. Ông Nguyễn Phú Hộ cho biết, riêng vụ Tết bán được 80 triệu đồng, giá bưởi bán lẻ hiện nay vẫn khá. Vì thời gian bưởi cho trái thu hoạch kéo dài nên từ tháng 4 (âm lịch) canh cây bưởi ra hoa, đậu trái bằng cái chén thì phải bón thêm đợt phân hữu cơ để cung cấp dinh dưỡng, đảm bảo trái phát triển tròn đẹp.

Ông Phạm Văn Viên (xã Phú Long) là một trong những nông dân tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng ở địa phương. Với 5 công đất trồng nếp kém hiệu quả, ông đầu tư vốn lên liếp trồng 120 cây bưởi da xanh, lứa trái đầu tiên thu hoạch được 300kg, bán được 13 triệu đồng. Ngoài ra, nông dân các xã khác cũng trồng bưởi da xanh theo hình thức đa canh, kết hợp nhiều loại cây trồng để “lấy ngắn nuôi dài”. Điển hình như ông Lâm minh Đức (xã Long Hòa) thực hiện quy trình khép kín: nuôi trùn quế, cá bống tượng, trồng bưởi da xanh xen dừa, cam, trồng cỏ nuôi bò… Nông dân Nguyễn Tự Điển trồng bưởi xen na thái, cà na, ổi, nhãn… vườn bưởi của ông được nông dân tham quan, chuẩn bị bán lứa trái đầu tiên.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân Đặng Văn Tác, bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế cao nhưng rất khó trồng, đối với nông dân huyện cù lao Phú Tân, kinh nghiệm trồng bưởi hiện nay chưa có. Nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng, nhưng cũng mong muốn có hướng phát triển, hỗ trợ bền vững, bởi thời gian và chi phí đầu tư cho cây bưởi khá lớn. Đáp ứng mong mỏi đó, CLB ra đời, đi vào hoạt động nhằm giúp nông dân tương trợ nhau, bên cạnh sự tiếp sức từ ngành chuyên môn để quyết tâm phát triển loại cây trồng này thành cây kinh tế thực sự hiệu quả cho bà con. Trên địa bàn huyện hiện đang có gần 60ha bưởi da xanh, riêng xã Phú Thạnh đã có doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu.

“Bưởi da xanh trồng rất khó và thị trường cũng rất rộng, có giá trị kinh tế, khả năng xuất khẩu cao, là sản phẩm bán cho “người giàu” nên nếu đi đúng hướng, nông dân mới thu được hiệu quả” - ông Tác nhấn mạnh với các hội viên. CLB nông dân giỏi bưởi da xanh do ông Nguyễn Tự Điển làm chủ nhiệm, hàng tháng sinh hoạt theo hình thức luân phiên thăm vườn các hộ, trao đổi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, còn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ về chính sách, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật giúp đỡ về kỹ thuật, tháo gỡ khó khăn trong quá trình canh tác. Phòng Kinh tế - Hạ tầng, chính quyền các xã sẽ tham gia kết nối thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm, cũng là mối quan tâm nhất của nông dân.

Ông Điển cho biết, thời gian tới, Ban chủ nhiệm CLB sẽ tổ chức cho nông dân tham quan học tập các mô hình, tiếp tục nghiên cứu giúp nông dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vận động thành viên đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tận dụng nguồn phân hữu cơ sản xuất tại nhà tiết kiệm chi phí đầu tư. CLB sẽ nỗ lực để đoàn kết, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/lien-ket-san-xuat-buoi-da-xanh-a274465.html