Liên kết sản xuất – 'chìa khóa' giảm nghèo cho bà con nông dân Lào Cai

Việc xây dựng các mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với các hộ nông dân tại Lào Cai đã tạo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, nâng cao giá trị nông sản địa phương, giúp giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, những năm qua, Lào Cai dành sự quan tâm rất lớn cho mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 50 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự tham gia của 45 doanh nghiệp, HTX, quy mô khoảng 18.000 ha, liên kết với hơn 17.000 hộ dân; giá trị các chuỗi liên kết năm 2024 đạt 1.560 tỷ đồng.

“Bà đỡ” HTX

Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng, tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) có gần 20 năm nuôi thủy sản (chủ yếu nuôi cá chép lai, rô phi đơn tính). Trước đây, ông Lượng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ cá do sản xuất đơn lẻ. Đến kỳ xuất bán phụ thuộc vào thương lái, giá bán bấp bênh, thương lái thường bắt chọn cá to, bỏ lại cá nhỏ nên rất khó tiêu thụ. Năm 2020, ông Lượng tham gia HTX Thủy sản Phong Hải, được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cá, chăn nuôi theo quy trình an toàn.

Ông Lượng chia sẻ, các hộ thành viên đều thực hiện nghiêm kế hoạch mà HTX đã xây dựng. Đến kỳ xuất bán sẽ có Tổ đánh bắt đến tận nơi và Tổ kinh doanh phân chia hàng giao đi các tỉnh. HTX nhận cung ứng từ con giống, thuốc phòng bệnh và thức ăn cho cá tới bao tiêu sản phẩm nên gia đình yên tâm sản xuất.

Tham gia HTX Thủy sản Phong Hải, thành viên được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cá, chăn nuôi theo quy trình an toàn.

Tham gia HTX Thủy sản Phong Hải, thành viên được tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng bệnh cho cá, chăn nuôi theo quy trình an toàn.

Tại huyện Bát Xát, mô hình liên kết sản xuất lúa Séng cù gắn với thị trường tiêu thụ được đánh giá là thành công. Theo đó, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và Liên minh HTX tỉnh, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai đã liên kết với các hộ nông dân xã Mường Vi xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 165 ha. HTX cung ứng lúa giống, hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa theo hướng hữu cơ và ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định.

“Nhờ liên kết sản xuất, chúng tôi có cơ hội tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đầu ra sản phẩm ổn định, mang lại thu nhập cao hơn so với trước đây. Trước kia, gia đình bán thóc tươi với giá 9 nghìn đồng/kg, từ khi tham gia liên kết với doanh nghiệp, giá bán thóc ổn định ở mức 12 - 14 nghìn đồng/kg, giúp nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất”, bà Trần Thị Thanh, xã Mường Vi phấn khởi kể.

Theo ông Bùi Văn Khôi, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai, để tăng sự ràng buộc trong liên kết, đơn vị ký hợp đồng với từng hộ bằng những điều khoản chặt chẽ. HTX cam kết đảm bảo quyền lợi của người dân khi tham gia liên kết, mong muốn người dân nâng cao trách nhiệm, giữ chữ tín.

Mở hướng làm giàu

Lãnh đạo tỉnh cho biết, việc liên kết tạo thuận lợi cho Nhà nước trong chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các chính sách hỗ trợ, đồng thời giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, tạo tiền đề hình thành vùng sản xuất quy mô lớn.

Đặc biệt, sự vào cuộc của các HTX đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, liên kết bao tiêu sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản địa phương. Nhiều HTX đang phát huy vai trò là trụ đỡ cho kinh tế hộ, tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Không chỉ vậy, nhiều HTX còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Trường bồi dưỡng cán bộ (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức tập huấn, hướng dẫn các thành viên, người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch cây trái trên địa bàn giúp bà con yên tâm tự tin mở rộng canh tác.

Các HTX đã chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo chuỗi, tham gia chương trình OCOP, phát triển vùng hàng hóa đặc hữu. Nhờ đó, những mô hình sản xuất của các hộ gia đình, HTX hàng năm đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

“Các địa phương đã xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản đặc trưng như ớt; gạo Séng Cù; quýt; chè Kim Tuyên, Bát Tiên, Ô Long, chè Shan... Mường Khương cũng đang đẩy mạnh kênh du lịch trải nghiệm để thúc đẩy xúc tiến thương mại, hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương”, đại diện tỉnh chia sẻ.

Hiệu quả trong liên kết, hợp tác giữa các HTX, doanh nghiệp, mô hình kinh tế nông nghiệp đã có đóng góp quan trọng nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai đã liên kết với các hộ nông dân xã Mường Vi xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 165 ha.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai đã liên kết với các hộ nông dân xã Mường Vi xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa với diện tích 165 ha.

Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của các địa phương thuộc tỉnh Lào Cai đã được thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân được nâng lên.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2024, tại các huyện khó khăn của Lào Cai như Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 6,29% (tương ứng 3.275 hộ thoát nghèo). Riêng ở Si Ma Cai, con số này là 7,69%, Mường Khương đạt 7,50%. Đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm phần lớn dân số tỉnh, cũng có sự cải thiện rõ rệt khi tỷ lệ nghèo giảm 5,83%.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai cho biết, công tác giảm nghèo ở các địa phương được cấp ủy, chính quyền các cấp coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2025, tỉnh tiếp tục đặt ra những mục tiêu giảm thêm trên 6.800 hộ nghèo và cận nghèo, hướng tới hoàn thành việc giảm một nửa số hộ nghèo so với đầu kỳ 2021-2025. 100% các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu.

Hướng tới phát triển theo chuỗi bền vững

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, liên kết mang lại nhiều lợi ích, tuy nhiên ở một số địa phương vẫn còn mô hình liên kết lỏng lẻo. Có trường hợp người dân vì lợi ích trước mắt mà tự phá vỡ hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết. Ngoài ra, một số HTX trên địa bàn chưa làm tốt công tác tổ chức sản xuất.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích mà liên kết mang lại, là hướng đi tất yếu khi chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ đó tạo được giá trị gia tăng trong sản xuất.

Để các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, tạo thuận lợi trong trao đổi hàng hóa; gắn liên kết sản xuất với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời rà soát lại những cơ chế, chính sách còn bất cập, đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm mở rộng thêm các chuỗi liên kết ngày càng bền vững.

Tỉnh Lào Cai xác định phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là định hướng phát triển sản xuất là những nhiệm vụ, nội dung quan trọng trong giai đoạn tới. Đây là một nhiệm vụ khó khăn để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp, phát triển kinh tế, xã hội; góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của ngành, rất cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, HTX...

Linh Đan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/lien-ket-san-xuat-chia-khoa-giam-ngheo-cho-ba-con-nong-dan-lao-cai-1105889.html