Liên kết sản xuất gạo vùng suối khoáng

Liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ gạo an toàn ở xã Phú Lạc (Tuy Phong) đang mở ra cơ hội giúp nông dân tăng thu nhập và có được nguồn gạo chất lượng cao cung ứng ra thị trường…

Liên kết sản xuất gạo vùng suối

 Gạo Mỹ Phố tham gia chuỗi có bao bì nhãn mác riêng.

Gạo Mỹ Phố tham gia chuỗi có bao bì nhãn mác riêng.

Nặng lòng với cây lúa

Vùng đất Tuy Phong được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng thiên nhiên Vĩnh Hảo, những cánh đồng vùng hạ lưu suối nước khoáng cho ra sản phẩm gạo ngọt cơm, thơm dẻo mà ít loại gạo nơi nào có được. Cơ sở xay xát gạo Mỹ Phố thành lập từ năm 2001, qua quá trình cung ứng gạo Mỹ Phố ra thị trường tiêu thụ, chị Phạm Thị Mỹ Phố - chủ cơ sở tự hào nói: “Chính nhờ bông lúa gieo trồng thừa hưởng nguồn nước khoáng nên gạo bỏ mối ra ngoài tỉnh từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh lên Ban Mê Thuột ra đến Hà Nội ai cũng khen gạo dẻo ngọt, dai và rất ngon cơm”.

Sinh ra và lớn lên trên “vựa lúa” trù phú, đặc trưng rất riêng, chị Phố luôn nặng lòng với cây lúa. Trước đây, ở xã Phú Lạc nông dân làm lúa nhiều, nhưng hầu như không có nhà máy xay gạo. Mỗi vụ lúa thu hoạch xong phải ra tận Liên Hương mới có nhà máy xay gạo. Lúa chỉ bán tươi chứ chưa làm ra thành phẩm gạo đóng gói bán ra thị trường. Vì vậy, chị Phố đã nghĩ đến việc mở nhà máy xay gạo ngay thôn Lạc Trị. Từ cơ sở xay xát nhỏ, mỗi ngày chỉ xay được chừng 10 tấn gạo, đến nay đã mở rộng công suất nhà máy lớn và kinh doanh gạo. Gạo đóng bao bì mang tên nhà máy và bán lẻ tại địa phương, bỏ mối cho thương lái bán ra một số tỉnh, thành trong cả nước.

Để chủ động nguồn hàng ổn định cung cấp ra thị trường, chị Phố liên kết với 10 hộ nông dân bao tiêu vật tư đầu vào từ giống, phân bón, chi phí nhân công để duy trì sản xuất 20 ha lúa bán cho cơ sở theo giá thị trường. Một hộ nông dân gắn bó với cơ sở xay xát gạo Mỹ Phố đã 19 năm chia sẻ: “Làm lúa theo mô hình liên kết có nhiều cái lợi, đó là được bao tiêu vật tư đầu vào đến khi gặt lúa xong thì đã có người của sở xay xát đến thu mua tại chân ruộng theo giá của thị trường nên rất yên tâm”.

Liên kết phát triển bền vững

Người tiêu dùng ngày nay ngoài ăn no còn đòi hỏi phải ngon, đẹp và an toàn. Trong những lần đi siêu thị trong và ngoài nước quan sát trên kệ hàng những sản phẩm gạo VietGAP, gạo hữu cơ đã chạm đến khao khát làm ra gạo an toàn ở chị Phố. “Từ khi quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nắm bắt xu thế thị trường tôi thử nghiệm vài ha trồng thử giảm phân bón, không sử dụng thuốc hóa học, dù năng suất có giảm hơn so cách canh tác cũ, nhưng đây là trách nhiệm của người sản xuất làm ra sản phẩm an toàn cho gia đình và cho người tiêu dùng”, chị Phố cho biết.

Xã Phú Lạc diện tích lúa lớn nhất huyện khoảng 700 ha tập trung ở 5 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác lúa trên địa bàn. Toàn xã có 3 cơ sở xay xát lúa gạo, trong đó cơ sở xay xát Mỹ Phố ở thôn Lạc Trị nhiều năm qua đã duy trì liên kết bao tiêu sản xuất và tiêu thụ lúa ổn định với nông dân. Năm 2019, cơ sở được lựa chọn tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ gạo an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng (QLCL) nông lâm và thủy sản tỉnh hỗ trợ. Không chỉ công nhận, người trồng lúa của cơ sở được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, nhiều nông dân có diện tích lúa trong vùng cũng tham gia, tạo điều kiện thuận lợi sau này mở rộng quy mô chuỗi. Nông dân được hỗ trợ phân bón, giống và ký cam kết tuân thủ quy định sản xuất an toàn khi tham gia chuỗi.

Hiện nay, cơ sở thực hiện liên kết ổn định với nông dân qua hợp đồng thay vì thỏa thuận bằng miệng như trước đây. Sản phẩm liên kết được bao gói hoàn chỉnh, có nhãn mác rõ ràng, đầy đủ các thông tin về nguồn gốc và được xác nhận sản phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn. Bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi cục trưởng Chi cục QLCL nông lâm và thủy sản tỉnh cho biết: “Chi cục kiểm soát chặt chẽ các công đoạn trong quá trình sản xuất chuỗi gạo của cơ sở giúp các cơ sở được hướng dẫn, làm quen và áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo HACCP và chứng nhận HACCP cho cơ sở”. Mới đây, cơ sở được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của huyện, tiến tới sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ nền tảng này, ngoài duy trì các giống ML48, gạo Đài thơm 8, vụ mùa tới cơ sở dự kiến mở rộng liên kết sản xuất thêm 30 ha có nhãn mác bao bì riêng nhãn hiệu gạo Lòng Sông.

Việc đẩy mạnh tham gia mô hình liên kết chuỗi gắn kết trực tiếp giữa người sản xuất với doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm trong một chuỗi mới phát triển bền vững không chỉ thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Thanh Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/lien-ket-san-xuat-gao-vung-suoi-khoang-132866.html