Liên kết sản xuất nâng cao giá trị nông sản Phú Bình

Khuyến khích liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là hướng đi đang được huyện Phú Bình quan tâm triển khai.

HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình), thu mua một phần lượng gà của các thành viên để chế biến sâu.

HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú, xã Tân Khánh (Phú Bình), thu mua một phần lượng gà của các thành viên để chế biến sâu.

Được sự tuyên truyền, hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2022, từ chỗ "mạnh ai nấy làm", 8 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Khánh đã liên kết với nhau để thành lập Hợp tác xã (HTX) Gà đồi hữu cơ Tân Phú. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc HTX, chia sẻ: Tham gia HTX, các thành viên được tập huấn và học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, phòng bệnh cho gà; nhập gà giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y cùng loại tại các đại lý với chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý hơn. Nhờ vậy, chất lượng sản phẩm gà xuất bán đồng đều hơn; lợi nhuận thu được tăng từ 3-4% so với trước. Bên cạnh xuất bán gà cho thương lái, một phần sản lượng gà của các thành viên cũng được HTX thu mua để chế biến sâu.

Thời gian qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết như tại HTX Gà đồi hữu cơ Tân Phú đang là hướng đi được huyện Phú Bình khuyến khích. Trong đó, giải pháp được huyện ưu tiên là phối hợp mở các lớp tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi số trong quản lý hoạt động của HTX; tổ chức tuyên truyền lồng ghép về vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể tới các hộ sản xuất, kinh doanh. Riêng năm 2023, huyện đã tổ chức được gần 200 lớp tập huấn, tuyên truyền về lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã phân bổ gần 2,7 tỷ đồng thực hiện 9 mô hình, dự án liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản. Có thể kể đến các dự án như: Ứng dụng khoa học công nghệ phát triển đàn heo nái ngoại theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại HTX Dịch vụ chăn nuôi Lương Phú; Phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng hữu cơ; Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lúa nếp Thầu Dầu tại xã Xuân Phương...

Thông qua các mô hình, dự án, người dân đã bước đầu chuyển từ sản xuất, tiêu thụ nhỏ lẻ sang liên kết theo chuỗi giá trị.

Thành viên HTX Ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành (Phú Bình), chăm sóc đàn ngựa.

Thành viên HTX Ngựa bạch xóm Phẩm, xã Dương Thành (Phú Bình), chăm sóc đàn ngựa.

Hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các HTX hoàn thiện hồ sơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cải tiến bao bì để xây dựng sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao, hầu hết thuộc sở hữu của các HTX.

Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho các cơ sở, đơn vị có sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tham gia hội chợ, hội thảo và chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá, kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các HTX đăng bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử...

Với 83 HTX, tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tăng 20 mô hình so với năm 2020), thời gian gần đây, một số HTX trên địa bàn huyện Phú Bình đã thực hiện liên kết với nhau trong sản xuất. Nổi bật là sự phối hợp, liên kết của HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hồng Kỳ, xã Úc Kỳ và HTX Gà đồi Tân Phú để nhập nguyên liệu đầu vào phục vụ quá trình sản xuất, chế biến cơm cháy.

Bà Trần Thị Tuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm quy hoạch các vùng sản xuất tập trung đối với những sản phẩm chủ lực để đáp ứng nhu cầu liên kết tiêu thụ với các HTX, doanh nghiệp. Đồng thời minh bạch thông tin các vùng sản xuất bằng việc xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Huyện cũng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quản lý chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất tại các HTX để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo dựng thương hiệu cho nông sản Phú Bình.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202311/lien-ket-san-xuatnang-caogia-tri-nong-san-phu-binh-0ae2e4e/