Liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê
HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, thành lập đầu năm 2022, với 15 thành viên, sản xuất hơn 60 ha cây cà phê. Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ các thành viên và nông dân ứng dụng khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Cuối tháng 12 là thời điểm các thành viên HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch bản Phiêng Quài tập trung thu hoạch cà phê lứa thứ 2. Năm nay, cà phê được mùa, được giá, sản lượng ước đạt 1.500 tấn cà phê quả tươi. Theo ước tính, sau khi trừ chi phí, các thành viên thu về gần 15 tỷ đồng.
Là thành viên tham gia HTX từ ngày đầu thành lập, gia đình anh Lò Văn Kiếm có 3 ha cà phê, vụ thu hoạch năm nay năng suất vượt trội so với trước, bởi gia đình anh thực hiện tốt việc thâm canh, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa cành, đầu tư phân bón nên diện tích cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Kiếm chia sẻ: Trước đây, việc canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, ít đầu tư, có những năm bị sương muối, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ khi vào HTX, được tạo điều kiện tham gia tập huấn canh tác cà phê bền vững, nhất là vụ cà phê năm nay, được HTX liên kết với Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc cung ứng các loại phân NPK phù hợp cây cà phê và với thổ nhưỡng, nên năng suất tăng khoảng 5 tấn/ha so với trước. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm lại được HTX ký hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần Phúc Sinh và Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, nên không còn lo bị tư thương ép giá.
Bên cạnh đó, ngoài việc tích cực thâm canh, một số thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, mỗi vụ thu mua hàng nghìn tấn cà phê quả tươi cho bà con trong xã để sơ chế, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Gia đình ông Lò Văn Nghĩa, Giám đốc HTX, ngoài sản xuất 3 ha cà phê, đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng xưởng xát vỏ, sấy cà phê tự động, sản xuất theo quy trình khép kín, toàn bộ vỏ cà phê cùng với lõi ngô được dùng để đốt lò sấy. Mỗi năm, gia đình thu mua, sơ chế khoảng 4.000 tấn cà phê quả tươi cho bà con trong xã và tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 14 triệu đồng/người/tháng. Ông Lò Văn Nghĩa cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động gần 2 năm, nhưng HTX đã phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa các cơ quan chuyên môn của huyện trong việc tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cây cà phê bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, HTX đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần phân bón Sông Lam Tây Bắc cung ứng phân bón chuyên dùng cho cây cà phê và các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, HTX còn tuyên truyền, vận động các thành viên trồng cây mắc ca xen cà phê, vừa che bóng, lại có thêm thu nhập từ quả mắc ca. Theo ước tính, vụ cà phê năm nay, giá trị thu nhập từ canh tác cà phê của các thành viên HTX sẽ tăng khoảng 15% so với vụ trước và có hộ thu gần 100 triệu đồng từ bán quả mắc ca.
Ông Lò Văn Nghĩa đưa chúng tôi tới thăm gia đình anh Lò Văn Hiệp, thành viên HTX sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm cà phê “mật ong”, có giá trị cao gấp 2-3 lần sản phẩm cà phê thông thường và đang được ưa chuộng trên thị trường, nhưng đòi hỏi phải nắm chắc quy trình kỹ thuật sản xuất. Với 2 ha cây cà phê, gia đình anh Hiệp đã mạnh dạn đầu tư nhà màng, lắp đặt hệ thống sấy có thiết bị giám sát nhiệt độ để chế biến sản phẩm cà phê “mật ong”. Mời chúng tôi ly cà phê “mật ong” vàng ánh, anh Hiệp chia sẻ: Sau khi được tập huấn và học hỏi kinh nghiệm một số cơ sở sản xuất, dự kiến vụ cà phê năm nay, gia đình sẽ chế biến khoảng 10 tấn sản phẩm cà phê nhân “mật ong”. Kỹ thuật chế biến hết sức cầu kỳ, phải chọn hái những quả chín, bởi khi đó hàm lượng đường trong quả cà phê ở mức cao nhất, sau đó đưa ngay vào xát vỏ, bảo đảm nhựa ở vỏ vẫn dính trên hạt cà phê và phơi nắng trong nhà màng cùng với hệ thống sấy có kiểm soát nhiệt độ, cho đến khi hạt cà phê đạt độ ẩm 12%, thì sản phẩm mới đạt yêu cầu, khi thưởng thức có vị thơm đặc trưng, ngọt dịu, độ đắng vừa phải.
Với việc khai thác hiệu quả những lợi thế sẵn có, đẩy mạnh liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch bản Phiêng Quài đã mở ra hướng đi mới trong canh tác cà phê, mang lại nguồn thu nhập cao cho các thành viên và hỗ trợ nông dân ở địa phương phát triển sản xuất cà phê bền vững.