Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển nông nghiệp bền vững

Chuỗi liên kết đã giúp nông dân mở rộng về quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tăng mức thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Thời gian qua tại tỉnh Quảng Nam có nhiều vùng chuyên canh của nông dân, nhiều hợp tác xã kiểu mới đã và đang phát huy hiệu quả khi thực hiện chủ trương liên kết sản xuất trong ngành nông nghiệp. Thực hiện chuỗi liên kết đã giúp nông dân mở rộng về quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tăng mức thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác.

Những ngày này, trên cánh đồng ớt thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, người dân đang vào vụ thu hoạch ớt. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây ớt được mùa lại được giá, bà con rất phấn khởi. Ông Trương Hồng, ở thôn Lệ Bắc, xã Duy Châu cho biết, năm nay ông trồng gần 6 sào ớt, bình quân đạt hơn 2 tấn quả/sào, thu về hơn 70 triệu đồng. Nhờ tham gia liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị nên nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm, không còn bị thương lái ép giá như trước.

“Thời tiết thuận lợi cho nên cây ớt dưới đất này vẫn đứng được, ở nhiều nơi khác ớt gặp mưa chết hết nhưng ở đây vẫn có sản lượng tăng và giá cả ổn định hơn mấy năm nên người dân rất phấn khởi”, ông Hồng bày tỏ.

Tham gia liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị, ông Trương Hồng, ở xã Duy Châu yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Tham gia liên kết sản xuất ớt theo chuỗi giá trị, ông Trương Hồng, ở xã Duy Châu yên tâm về đầu ra sản phẩm.

Vụ Đông Xuân năm nay, Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Việt Thắng đóng tại huyện Duy Xuyên liên kết với HTX nông nghiệp Lệ Bắc tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 32 ha ớt theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Đơn vị này thu mua sản phẩm ớt cho người dân với mức giá bằng hoặc cao hơn thị trường, từ 8.000 – 11.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Phê, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc, xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên cho biết, cùng với sản xuất cây ớt, hợp tác xã khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị cao như, ổi, mướp đắng, bí xanh.

“Nhân dân yên tâm sản xuất và hết sức phấn khởi vì không lo đầu ra, công ty thu mua sản phẩm theo giá ổn định hợp đồng nên người dân thực hiện tốt chủ trương liên kết. Doanh nghiệp thực hiện làm liên kết theo vùng để đảm bảo mà không làm đại trà. Nếu xác định được bà con làm vùng nào, công ty sẽ bảo quản thu mua và đầu tư toàn bộ cho bà con”, ông Phê thông tin.

Những năm qua, chính quyền các địa phương huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam phối hợp triển khai thực hiện 35 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích gần 700 ha gồm, lúa giống, rau củ quả và hoa màu… Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, mô hình này giúp gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân.

Theo Phan Xuân Cảnh, hàng năm, địa phương hỗ trợ kinh phí, thiết bị máy móc giúp người dân và các hợp tác xã phát triển sản xuất, đồng thời, tăng cường quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng thành công sản phẩm OCOP.

“Sắp tới huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình điểm, vận dụng các chính sách phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế HTX tiếp tục triển khai cũng như các nguồn vốn của các tổ chức kinh tế - xã hội ưu tiên cho vấn đề phát triển trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng quy hoạch một số vùng trọng điểm để đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước phục vụ cho bà con. Đối với một số địa phương có tiềm năng sản xuất cung ứng cho các doanh nghiệp, huyện sẽ liên kết giữa ngành nông nghiệp để cung ứng các thực phẩm tươi sạch cho các nhà máy và công ty”, ông Cảnh cho biết.

Mô hình liên kết sản xuất hạt giống bắp nếp ở huyện Đại Lộc giúp nông dân tăng thêm thu nhập 3 đến 5 lần so với các loại hoa màu khác.

Mô hình liên kết sản xuất hạt giống bắp nếp ở huyện Đại Lộc giúp nông dân tăng thêm thu nhập 3 đến 5 lần so với các loại hoa màu khác.

Năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi năm, tỉnh Quảng Nam bố trí nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng khuyến khích chuỗi liên kết sản xuất ở tại các địa phương đem lại hiệu quả cao.

Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, phần lớn mô hình liên kết sản xuất đều giúp nông dân tăng thêm từ 20% - 35% giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị.

“Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang tập trung phấn đấu tất cả những sản phẩm nông nghiệp được sản xuất và đưa vào tham gia các chuỗi liên kết 30%. Khi vào chuỗi liên kết, người nông dân cũng như các chủ thể được hưởng lợi ổn định trong vấn đề tổ chức sản xuất. Doanh nghiệp tham gia liên kết cũng được hỗ trợ trang bị máy móc, thiết bị để chế biến theo chuỗi liên kết tập trung những sản phẩm chủ lực đồng thời kết hợp với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”, ông Ngô Tấn chỉ rõ./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lien-ket-san-xuat-theo-chuoi-gia-tri-de-phat-trien-nong-nghiep-ben-vung-post943070.vov