Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố:Chú trọng chiều sâu, hiệu quả

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp thành phố, năng lực sản xuất nông sản của Hà Nội mới đáp ứng được 20-70% nhu cầu người dân Thủ đô.

Do đó, nhiều năm qua, Hà Nội đã liên kết với các tỉnh, thành phố để bảo đảm nguồn cung ứng nông sản an toàn, chất lượng. Tiếp tục nâng cao chất lượng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, Hà Nội và các địa phương sẽ chú trọng đẩy mạnh liên kết theo chiều sâu, bảo đảm hiệu quả, bền vững.

Mỗi năm Hà Nội tổ chức hàng trăm cuộc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản đặc sản các vùng miền trên khắp cả nước tới người tiêu dùng Thủ đô.

Mỗi năm Hà Nội tổ chức hàng trăm cuộc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản đặc sản các vùng miền trên khắp cả nước tới người tiêu dùng Thủ đô.

Hiệu quả từ chuỗi liên kết

Xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững, bên cạnh các chuỗi trong địa bàn thành phố, Hà Nội đã liên kết với nhiều tỉnh, thành phố xây dựng các chuỗi sản xuất - cung ứng nông sản. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã chủ động, tích cực duy trì, hỗ trợ phát triển gần 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố.

Khảo sát thực tế tại Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ Đoàn Kết (huyện Ứng Hòa) cho thấy, mô hình liên kết đang giúp hạt gạo của Ứng Hòa tăng giá trị. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh dịch vụ Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho biết: Những năm qua, hợp tác xã tập trung sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, với diện tích 100ha. Để xây dựng mô hình sản xuất bền vững, giúp nông dân trồng lúa nâng cao giá trị, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với 2.181 hộ dân trên địa bàn trong việc bao tiêu 100% sản phẩm. Hợp tác xã cũng liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội; phân phối tới đại lý lúa gạo ở các tỉnh: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica cho nông dân với giá ổn định.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp các tỉnh liên kết với Hà Nội để xây dựng chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường Thủ đô. Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh, do có lợi thế về địa lý, chủng loại, chất lượng sản phẩm, giá thành, địa phương đang tiếp cận thị trường Hà Nội để cung cấp nông sản. Nhiều năm qua, thông qua chương trình hợp tác liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã cung ứng lượng lớn rau, củ cho thị trường Thủ đô. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong Nguyễn Thị Trâm thông tin: Công ty có 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới, tập trung sản xuất một số sản phẩm rau, củ tươi; định hướng sơ chế, chế biến các mặt hàng sấy, nước ép; liên kết, chuyển giao công nghệ sản xuất 50ha mở rộng quy mô. Toàn bộ sản phẩm được sản xuất theo đơn đặt hàng, đạt tiêu chuẩn VietGAP...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận xét: Thời gian qua, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố đạt kết quả khả quan. Thành phố luôn duy trì ổn định nguồn nông sản cho người dân, hỗ trợ các tỉnh, thành phố cũng như Hà Nội tiêu thụ nông sản; giúp nông dân, doanh nghiệp nâng cao thu nhập. Kinh tế nông nghiệp Hà Nội và các tỉnh ngày càng phát triển, đặc biệt là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp số...

Xây dựng các sàn thương mại điện tử

Thực tế cho thấy, liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản là phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng cho biết, thông qua liên kết, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện duy trì tăng trưởng, không xảy ra tình trạng "được mùa - mất giá"; nguồn nông sản phong phú và bảo đảm chất lượng; sàn thương mại điện tử nông sản giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phát triển hơn...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản của Hà Nội chưa sâu, chưa bền vững, cần sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính quyền các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp địa phương. Ngoài việc ký kết phối hợp, các địa phương cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp tỉnh ngoài muốn đầu tư, liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để đẩy mạnh liên kết, những năm qua, Hà Nội thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu địa chỉ cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của các địa phương tại Thủ đô... Song, thực tế chưa có nhiều chuỗi nông sản mạnh trong quá trình liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố.

Giải quyết tình trạng này, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội sẽ cùng các tỉnh, thành phố xác định thế mạnh và những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực của nông nghiệp để hình thành liên kết theo chiều sâu. Đặc biệt, theo Luật Thủ đô năm 2024, thành phố đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hà Nội kỳ vọng cùng các tỉnh, thành phố xây dựng mạng lưới, sàn thương mại điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất - tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp và nông dân. Mặt khác, công tác phân tích, dự báo thị trường, kiểm soát chất lượng, hỗ trợ gian hàng, xúc tiến thương mại... cũng được Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh thực hiện sao cho hiệu quả hơn.

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lien-ket-san-xuat-tieu-thu-nong-san-giua-ha-noi-va-cac-tinh-thanh-pho-chu-trong-chieu-sau-hieu-qua-694003.html