Giao dịch chứng khoán sáng 24/2: VN-Index lại gặp khó với mốc 1.300 điểm, cổ phiếu thép nổi sóng
Thị trường nhanh chóng lùi về sát mốc tham chiếu ngay khi chạm ngưỡng kháng cự mạnh 1.300 điểm. Điểm tích cực là thanh khoản sôi động và diễn biến nóng ở nhóm cổ phiếu thép.

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch tích cực khi thanh khoản tiếp tục sôi động đã hấp thụ tốt áp lực chốt lãi ngắn hạn, giúp VN-Index xác nhận 4 phiên tăng liên tiếp, lên sát mốc 1.300 điểm. Đây là vùng kháng cự quan trọng đã được thiết lập từ tháng 8/2022 và đến nay, thị trường chưa một lần vượt qua.
Về kỹ thuật, VCBS cho rằng, các chỉ báo RSI và MACD hiện vẫn tiếp tục hướng lên vùng điểm cao và chưa có tín hiệu hình thành đỉnh. Tuy nhiên, xác suất rung lắc giằng co biên độ nhỏ vẫn còn hiện hữu khi các chỉ báo đã ở vùng cao và đồng thời VN Index cũng cần củng cố động lực để có thể thuyết phục tiến lên mốc 1.300 điểm.
Quay lại diễn biến giao dịch phiên sáng 24/2, thị trường phân hóa với sự cân bằng của các mã tăng giảm trên bảng điện tử và chỉ số VN-Index sau chút rung lắc đầu phiên đã lấy lại đà tăng nhẹ.
Sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index vẫn chỉ lình xình trên mốc tham chiếu và chưa thể bứt tốc qua vùng giá 1.300 điểm. Điểm tích cực vẫn là thanh khoản thị trường duy trì nhiệt sôi động với tâm điểm là nhóm cổ phiếu thép.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đang tăng nhẹ, nhóm cổ phiếu thép đã nổi sóng ngay khi mở cửa. Đặc biệt, cổ phiếu HPG có thời điểm tăng kịch trần và hiện đang tăng trên dưới 5% với thanh khoản lên tới gần 51,5 triệu đơn vị; cặp đôi HSG và NKG đều tăng hơn 2% với thanh khoản cũng thuộc top sôi động của thị trường.
Trong khi đó, các mã thép nhỏ hơn như VCA, TLH đang khoe sắc tím với khối lượng dư mua trần lớn, đáng kể như TLH như mua trần 1,64 triệu đơn vị. Hay trên sàn HNX, cổ phiếu VGS cũng có thời điểm khoác áo tím và hiện đang tăng 6,6%; TVN tăng 5,7%, và các mã này đều thuộc top 3 về thanh khoản.
Mặc dù dòng tiền tham gia khá tích cực nhưng áp lực bán thường trực khi VN-Index đã trải qua 4 phiên tăng liên tiếp và đang tiệm cận ngưỡng tâm lý mạnh 1.300 điểm, đã khiến thị trường chưa thể chinh phục thành công vùng giá này.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 181 mã tăng và 246 mã giảm, VN-Index tăng 1,03 điểm (+0,08%), lên 1.297,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 480 triệu đơn vị, giá trị 10.633 tỷ đồng, cùng tăng hơn 41% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,34 triệu đơn vị, giá trị 770,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 hỗ trợ tốt cho thị trường khi chốt phiên tăng gần 4,5 điểm, với 11 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu thép HPG vẫn là điểm tựa chính khi hỗ trợ gần 2 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên tăng 4,5%, còn lại các mã khác chỉ biến động tăng giảm trên dưới 1%.
Xét về nhóm ngành, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép vẫn giữ được vai trò “tiếp sức” cho thị trường. Trong đó, nhóm ngân hàng và chứng khoán chỉ tăng nhẹ, với các mã đáng chú ý như VIX và SSI cùng tăng hơn 1% và thanh khoản thuộc top 5, lần lượt đạt hơn 26,1 triệu đơn vị và 14,6 triệu đơn vị; hay SHB và VIB tăng xấp xỉ 1%, khớp lệnh cùng đạt hơn 13 triệu đơn vị.
Một số mã khác trong ngành đã không giữ được sắc xanh như TCB, MBB, TPB, CTG, HCM, VND… đã trở về mốc tham chiếu, thậm chí đảo chiều điều chỉnh nhẹ như VCB, ACB, VPB, OCB với mức giảm chưa tới 0,5%.
Nhóm cổ phiếu thép dù không giữ được phong độ đỉnh cao của đầu phiên, nhưng đây vẫn là điểm sáng của thị trường. Trong đó, HPG chốt phiên tăng 4,5% với thanh khoản vượt trội đạt hơn 61,3 triệu đơn vị, trong khi khối ngoại vẫn bán ròng mạnh hơn 4,1 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu thép khác như HSG tăng 2% và khớp 8,4 triệu đơn vị, NKG tăng 2,5% và khớp 7,8 triệu đơn vị, SMC tăng 3,3%, TLH vẫn tăng kịch trần với khối lượng dư mua trần đạt 1,65 triệu đơn vị, VCA cũng trong trạng thái khoe sắc tím và dư mua trần.
Trái lại, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông vẫn giảm mạnh nhất, với FPT giảm hơn 1%, CTR giảm 1,6%, VGI giảm hơn 4%, SGT giảm 2,2%...
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng khiến số mã giảm điểm chiếm ưu thế và HNX-Index đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HNX có 63 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,24%) xuống 237 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 31,5 triệu đơn vị, giá trị 542,75 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,52 triệu đơn vị, giá trị 27,68 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép VGS chốt phiên tăng 5,6% lên mức 30.300 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường với 1,22 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, một vài điểm sáng khác như PSD tăng kịch trần với khối lượng khớp 1,33 triệu đơn vị và dư mua trần 0,21 triệu đơn vị, đặc biệt là NRC dư mua trần với hơn 3,1 triệu đơn vị và thanh khoản đạt 1,19 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi SHS và CEO có giao dịch sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt hơn 7 triệu đơn vị và 2,38 triệu đơn vị, tương ứng chốt phiên tại mốc tham chiếu và giảm nhẹ 0,7%.
Trên UPCoM, thị trường cũng quay đầu điều chỉnh giảm trong thời gian cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,4%) xuống 100,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,52 triệu đơn vị, giá trị 400 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,35 triệu đơn vị, giá trị đạt 10,35 tỷ đồng.
Cổ phiếu thép TVN cũng là điểm sáng của thị trường UPCoM khi chốt phiên vẫn giữ mức tăng khá tốt đạt 5,7%, tạm đứng tại mức giá 9.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 2,26 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã đáng chú ý khác như AAH giảm 9,4% và khớp 3,9 triệu đơn vị, MSR giảm 9,8% và khớp 2,28 triệu đơn vị, VGE giảm 3,3%, BOT giảm 2,8%, VGI giảm 4,1% với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.