Liên kết, thúc đẩy chuỗi giá trị khoai tây
Dự án liên kết sản xuất khoai tây bền vững theo mô hình hợp tác công-tư (PPP) giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng các doanh nghiệp PepsiCo Foods Việt Nam và Syngenta Việt Nam đã mang lại những kết quả hết sức ấn tượng.

Cán bộ kỹ thuật cùng bà con nông dân trao đổi kinh nghiệm canh tác khoai tây bền vững tại Trung tâm học thuật PepsiCo (Quế Võ, Bắc Ninh). (Ảnh: MIINH AN)
Được triển khai từ năm 2019 tại các tỉnh Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh phía bắc, mô hình này không chỉ nâng cao năng suất, tối ưu chi phí mà còn bảo đảm tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và thân thiện môi trường.
Sẵn sàng chuyển đổi cây trồng mới
Theo Nhóm đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), dự án này khởi đầu với quy mô 400ha tại Tây Nguyên vào năm 2019, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, PepsiCo, Syngenta phối hợp cùng các đối tác thực hiện.
Sau 5 năm, diện tích khoai tây đã tăng lên gần 1.700ha, năng suất trung bình 30-34 tấn/ha, cao hơn hẳn so với canh tác truyền thống. Đây là tiền đề để nhóm đối tác mở rộng mô hình ra các tỉnh phía bắc từ vụ đông xuân 2024-2025 với tổng diện tích 320ha. Kết quả đạt được cũng rất khả quan: Năng suất khoai tây trung bình đạt 23-26 tấn/ha, tăng 8 tấn/ha so với vụ trước.
Trước đó, vụ đông xuân 2023-2024 thí điểm tại Thanh Hóa và Hải Dương cũng ghi nhận năng suất cao nhất tới 35 tấn/ha. Việc mở rộng vùng nguyên liệu ra phía bắc cũng giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng, nguồn thu nhập ổn định và doanh nghiệp chủ động được nguồn cung nguyên liệu, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Những nông dân từ Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh… tham gia Ngày hội thu hoạch khoai tây tại Trung tâm học thuật PepsiCo, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tổ chức mới đây đều sẵn sàng tham gia vụ gieo trồng mới. Họ cùng nhau chia sẻ niềm vui, học hỏi kiến thức canh tác theo hướng giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Doãn Thế Ánh, Giám đốc HTX nông nghiệp Trường An (ở khu phố Yên Lâm, phường Bằng An, thị xã Quế Võ), trồng khoai tây áp dụng công nghệ cao và cơ giới hóa đạt hiệu quả cao hơn hẳn so với phương pháp canh tác trước đây.
“Trồng khoai tây theo cách truyền thống, năng suất chỉ đạt 15-18 tấn/ha, năm nay áp dụng phương pháp mới, năng suất tăng gấp hai lần, lên tới 36 tấn/ha”, ông Ánh cho biết. Mặc dù mức đầu tư ban đầu khá cao (khoảng 200 triệu đồng/ha), nhưng đổi lại người dân giảm được công sức, tiết kiệm chi phí sản xuất, năng suất và chất lượng khoai tây tăng vượt trội. Ông cũng bày tỏ sẵn sàng chuyển đổi toàn bộ 300 mẫu ruộng của hợp tác xã sang trồng khoai tây theo mô hình canh tác bền vững này.
Anh Nguyễn Văn Đoàn (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) cũng hào hứng chia sẻ, vụ đông xuân vừa qua, gia đình anh đã chuyển đổi 1ha trồng cà rốt sang trồng khoai tây, năng suất đạt 28-29 tấn/ha, hoàn toàn yên tâm về đầu ra khi được công ty PepsiCo bao tiêu sản phẩm.
Tích hợp giải pháp toàn diện
Nhận định về kết quả đạt được từ mô hình, ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông học Công ty PepsiCo Việt Nam cho rằng, điều quan trọng là mô hình đã xây dựng được cho nông dân mối liên kết sản xuất, kết nối với các đối tác nhằm cung cấp giải pháp toàn diện.
Theo đó, liên kết được khép kín từ giống đạt chuẩn quốc tế, kỹ thuật canh tác tiên tiến, bảo đảm “sức khỏe” đất, bộ giải pháp quản lý sâu bệnh toàn diện, hệ thống tưới chính xác, kỹ thuật bón phân, máy quan trắc thời tiết kết nối điện thoại thông minh và sử dụng máy bay không người lái theo dõi quá trình canh tác… đến bao tiêu sản phẩm.
Cũng theo Giám đốc Đối ngoại và Phát triển bền vững Công ty Syngenta Việt Nam Nguyễn Thanh Tuấn, trong khuôn khổ mô hình chuỗi giá trị khoai tây bền vững, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tiên tiến nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất.
Cụ thể, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp giảm 2 lần phun thuốc/ vụ, vừa bảo đảm hiệu quả bảo vệ cây trồng, vừa hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời, việc ứng dụng thiết bị không người lái trong phun thuốc giúp nông dân tiết kiệm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc so với phương pháp truyền thống, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên,...
Theo ước tính, nước ta hiện chỉ đáp ứng 30-40% nhu cầu khoai tây trong nước. Năm 2023, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 134 triệu USD khoai tây tươi từ Australia, Mỹ, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy phát triển vùng trồng khoai tây theo mô hình PPP là hướng đi tiềm năng để tăng năng lực cạnh tranh, giảm phụ thuộc nhập khẩu.
Ông Nguyễn Việt Hà, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm PepsiCo Việt Nam khẳng định, sẽ hợp tác với nông dân, hợp tác xã xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu khoai tây ở miền bắc nhằm chủ động nguồn cung nguyên liệu cho nhà máy mới tại Hà Nam sắp khai trương vào cuối năm nay.
Công ty không chỉ cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, phối hợp đối tác cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mà còn phối hợp với ngân hàng cung cấp giải pháp tài chính, hỗ trợ tối đa nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình.
Đánh giá cao hiệu quả từ mô hình, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp các đối tác biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây bền vững, tiếp tục đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nông dân và hợp tác xã; đồng thời kết nối các nguồn lực từ doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để nhân rộng mô hình ra nhiều địa phương.
Kết quả hợp tác với PepsiCo, Syngenta và các đối tác đã tạo ra một hệ sinh thái nông nghiệp đổi mới, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, nâng cao năng lực cho nông dân và tối ưu hóa chuỗi giá trị. Đây chính là tiền đề quan trọng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lien-ket-thuc-day-chuoi-gia-tri-khoai-tay-post869441.html