Liên kết, thúc đẩy phát triển du lịch Hòa Bình - Hà Nội

Giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng… Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn với người dân Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Thủ đô văn hiến với dày đặc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nơi văn hóa hội tụ là điểm đến yêu thích của người dân Hòa Bình. Tăng cường liên kết để thúc đẩy du lịch Hòa Bình - Hà Nội cùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu đặt ra đối với cả 2 địa phương. Bài 1 - Hòa Bình - điểm đến hấp dẫn du khách Thủ đô

Giáp ranh với Thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, khí hậu trong lành, bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng… Hòa Bình là điểm đến hấp dẫn với người dân Hà Nội. Ở chiều ngược lại, Thủ đô văn hiến với dày đặc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và nơi văn hóa hội tụ là điểm đến yêu thích của người dân Hòa Bình. Tăng cường liên kết để thúc đẩy du lịch Hòa Bình - Hà Nội cùng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu đặt ra đối với cả 2 địa phương. Bài 1 - Hòa Bình - điểm đến hấp dẫn du khách Thủ đô

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là một trong những lễ hội lớn thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm.

Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình là một trong những lễ hội lớn thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm.

Hệ thống đường giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp giúp khoảng cách Hòa Bình - Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ xe chạy. Sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích du lịch phát triển khiến Hòa Bình - Hà Nội ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đáng để du khách tham quan, trải nghiệm.

Giao thông mở đường cho du lịch

Sau hơn 4 năm thi công, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình dài hơn 25 km, tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng chính thức thông xe vào đúng dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2018. Tuyến đường đã góp phần quan trọng mở ra cơ hội phát triển KT-XH cho vùng Tây Bắc nói chung, đặc biệt là tỉnh Hòa Bình nói riêng. Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,6 km được hoàn thành vào năm 2015 đã góp phần giúp việc di chuyển giữa Hòa Bình và Hà Nội thêm thuận lợi.

Tiếp tục tạo lực đẩy cho các tỉnh Tây Bắc phát triển, đẩy mạnh liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, nhân kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/ 2023), TP Hà Nội đã khởi công xây dựng tuyến đường nối từ QL21 đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Tuyến đường này dài 6,7km, mặt cắt ngang 120 - 180m, tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng. Điểm đầu tuyến kết nối với nút giao hoa thị giữa đại lộ Thăng Long với QL21 tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất; điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất. Trên tuyến đường từ TP Hà Nội đến TP Hòa Bình đây chính là đoạn "nút thắt cổ chai” do mặt đường xuống cấp, lòng đường hẹp, lưu lượng xe đông nên thường xuyên ùn tắc cục bộ, các phương tiện phải di chuyển tốc độ chậm. Do đó, tuyến đường này theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 sẽ giúp cho việc đi lại giữa Hòa Bình - Hà Nội càng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nối Tây Bắc - Hà Nội, phục vụ phát triển KT-XH các tỉnh Tây Bắc và vùng Thủ đô theo quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH cho tỉnh Hòa Bình nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Hòa Bình đã họp, thống nhất và đồng ý chủ trương phương án đầu tư xây dựng và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án Đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc - Hòa Bình theo hình thức hợp đồng PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự án có tổng chiều dài 23,04km, trong đó đi qua địa phận Hà Nội 6,37km, địa phận Hòa Bình 16,67km. Dự án được đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc với quy mô 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư 9.382 tỷ đồng. Dự án này sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường bộ tốc độ cao, ngắn nhất, thuận lợi nhất cho các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe tải. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, đặc biệt là tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Sơn La; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và Hòa Bình cũng như các tỉnh Tây Bắc.

Phát huy tiềm năng, đầu tư tương xứng

Để tiếp tục phát huy tiềm năng, đẩy mạnh du lịch phát triển, tỉnh Hòa Bình đang tích cực phát triển các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương; từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, độc đáo mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường.

Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hòa Bình đang tập trung phát triển các sản phẩm như: du lịch cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao (dù lượn, golf, marathon), du lịch nông nghiệp gắn với trải nghiệm làng nghề, sản phẩm OCOP… Triển khai hiệu quả mô hình phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Các loại hình du lịch đang được giới trẻ quan tâm và thu hút lượng lớn khách như: camping, tắm thác, suối… Các hoạt động trên góp phần thu hút đông đảo du khách, mở rộng thị trường, thúc đẩy du lịch Hòa Bình với phương châm: "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.

Đặc biệt, hiện nay các địa phương khai thác hiệu quả những sản phẩm du lịch vùng ven hồ Hòa Bình: Tuyến đi bộ, đạp xe quanh hồ; trải nghiệm du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch tâm linh khôi phục và duy trì tốt. Các địa phương cũng lựa chọn ngành nghề truyền thống để bảo tồn và tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; triển khai các sản phẩm du lịch trên sông Đà để kết nối tuyến du lịch đường bộ, đường thủy...

Bà Bùi Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch TP Hà Nội nhận định: Thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội tăng cường kết nối, triển khai các tour, tuyến du lịch các tỉnh Tây Bắc. Trong đó, Hòa Bình là điểm dừng chân đầu tiên trong lộ trình. Qua thực tế cho thấy, du khách đặc biệt ấn tượng với các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như: Xên Mường, Khai hạ dân tộc Mường, Chùa Tiên... Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, Hòa Bình được nhiều trường học của Hà Nội chọn là điểm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại tại các địa điểm tham quan, khu du lịch như: Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sun Village Hòa Bình (TP Hòa Bình); bản Giang Mỗ (Cao Phong); An Lạc Eco Farm & Hot Spring (Kim Bôi); Bản Mường Xanh (Lương Sơn)...

Để thúc đẩy du lịch phát triển, Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Đến nay, tỉnh có gần 70 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký trên 36.400 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 500 cơ sở lưu trú được thẩm định, đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; 9 điểm du lịch địa phương; 1 khu du lịch cấp tỉnh; 2 sân golf được đưa vào khai thác... 6 tháng đầu năm 2024, nhiều cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn được đưa vào khai thác như: Mai Đà Lodge, Mơ Village, Vayang Retreat (Đà Bắc); các hộ kinh doanh homestay tại xã Vân Sơn (Tân Lạc); Mandala Retreat (Kim Bôi)...

Bên cạnh đó, năm 2024, toàn tỉnh có 55 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, gồm 40 sản phẩm mới, 15 sản phẩm đánh giá lại. Trong đó, dự kiến có thêm 3 sản phẩm OCOP nhóm du lịch và bán hàng: du lịch cộng đồng (DLCĐ) xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong), DLCĐ xóm Chà Đáy (Mai Châu), DLCĐ bản Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc). Các kết quả trên góp phần tạo nét đặc trưng cho vùng nông thôn của tỉnh và phát triển DLCĐ, trở thành một loại tài nguyên du lịch có khả năng thu hút du khách.

(Còn nữa)

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/276/193091/lien-ket,-thuc-day-phat-trien-du-lich-hoa-binh-ha-noi.htm