Liên kết trong phát triển nông nghiệp còn hạn chế

ĐBP - Các chính sách về nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua đã thu hút được một số dự án phát triển sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm hiểu, hợp tác và hỗ trợ phát triển, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng cần tiếp tục được quan tâm.

Gian hàng bán sản phẩm gạo chất lượng cao tại Siêu thị Tâm Ðỏ (Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên).

Nông sản thiếu đầu ra

Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thành công 19 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 19 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ sản phẩm vẫn đang là điểm yếu của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, việc thâm nhập vào các thị trường lớn ngoài tỉnh của nông sản tỉnh ta còn rất hạn chế. Minh chứng cho hạn chế này là sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, an toàn. Hiện nay, 2 chuỗi giá trị sản phẩm gạo IR64, Bắc thơm số 7 và Séng cù, gồm: Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green với 15ha lúa Bắc thơm số 7, IR64 liên kết với 39 hộ gia đình tại xã Thanh An và Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên có quy mô 80ha giống Bắc thơm số 7 và 50ha giống Séng cù, liên kết với 104 hộ tại xã Thanh Yên. Các đơn vị này tham gia từ khâu trồng trọt, sơ chế đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; có hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm (thóc) cho người nông dân. Tuy nhiên, bản thân hợp tác xã, doanh nghiệp lại đang “bí” đầu ra cho các sản phẩm gạo thành phẩm. Hiện nay, sản phẩm gạo Ðiện Biên đang được 2 đơn vị giới thiệu và tiêu thụ chủ yếu tại thị trường các tỉnh phía Bắc với sản lượng tiêu thụ gạo Bắc thơm số 7 đạt khoảng 500 tấn/năm; gạo Séng cù 200 tấn/năm.

Ông Quản Bá Mười, Giám đốc HTX Dịch vụ Tổng hợp Thanh Yên cho biết: “Vấn đề khó khăn nhất của đơn vị là thiếu các kênh tiêu thụ sản phẩm, thiếu sự liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh và liên kết với doanh nghiệp các tỉnh, thành khác trong tiêu thụ sản phẩm gạo. Ðây cũng là một trong nguyên nhân dẫn đến sản phẩm gạo Ðiện Biên bị nhiều tổ chức, cá nhân nhái thương hiệu để bán trên thị trường với giá cao.”

Tương tự, Hợp tác xã Ong mật Ðiện Biên với quy mô trên 2.000 đàn ong nuôi tự nhiên, mỗi năm thu hoạch trên 100 tấn mật ong thô và chế biến thành 4 sản phẩm bán ra thị trường. Song đến nay, hợp tác xã chưa có kênh phân phối sản phẩm chính thức nào ở ngoài tỉnh nên sản lượng tiêu thụ rất khiêm tốn.

Cần tăng cường liên kết, hợp tác

Trên góc độ quản lý Nhà nước, những năm gần đây, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, tỉnh ta đã thực hiện một số chương trình liên kết, hợp tác nông nghiệp bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tỉnh đến các tỉnh trong khu vực tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến đầu tư. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh cũng phối hợp tổ chức thành công nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo về hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm ngành nông nghiệp, thương mại...

Ðầu năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì hội nghị xúc tiến thành lập Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ðiện Biên. Với mục đích kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong cùng lĩnh vực, Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ðiện Biên sẽ tạo môi trường chung, là diễn đàn để các đơn vị có thể giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hợp tác cùng phát triển. Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành với doanh nghiệp, hợp tác xã để lắng nghe và cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp. Với những giải pháp đồng bộ, toàn diện từ thu hút đầu tư đến xúc tiến thương mại, thời gian tới kinh tế nông nghiệp tỉnh ta sẽ khởi sắc, phát triển tương xứng với tiềm năng”.

Sau nhiều năm đầu tư vào nông nghiệp, Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Ðiện Biên đã có một số thành công nhất định. Tuy nhiên, có một kế hoạch, chiến lược xúc tiến thương mại hiệu quả hơn nữa để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản là điều Công ty cũng như các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp khác mong mỏi. Ông Nguyễn Phú Ðỏ, Giám đốc Công ty cho biết: Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là rất quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong quá trình đầu tư, đồng thời phần nào yên tâm hơn khi có Nhà nước đồng hành trên con đường phát triển của doanh nghiệp. Việc thành lập Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Ðiện Biên là bước đi phù hợp với thực tế hiện nay. Tổ chức này sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực có thể phối hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển vì một mục tiêu chung là phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. Hiện nay, Công ty đã đưa một số sản phẩm nông nghiệp địa phương như: Gạo Ðiện Biên và các loại rau, củ, quả... vào hệ thống bán hàng của siêu thị Tâm Ðỏ. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để đưa nông sản địa phương vào hệ thống bán hàng, các kênh phân phối của công ty.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/176796/lien-ket-trong-phat-trien-nong-nghiep-con-han-che