Liên kết và hợp tác là xu thế phát triển tất yếu của du lịch Quảng Trị
Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tại hội nghị hợp tác phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2021 với chủ đề 'Du lịch Quảng Trị - Liên kết khai thác giá trị tiềm năng' diễn ra hôm nay 2/5/2021, tại Khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt. Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh; về phía tỉnh có: Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Quang Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế và các nhà đầu tư.
Liên kết, hợp tác để phát triển
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, để thực hiện thành công kích cầu, phục hồi và phát triển ngành du lịch, việc liên kết hợp tác là vấn đề rất quan trọng. Cần thiết có sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, nhất là nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch để vượt qua khó khăn của thời kỳ dịch bệnh, đưa du lịch phát triển lên một tầm cao mới. Vì vậy, đại biểu tham gia hội nghị tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm về định hướng chiến lược của du lịch Việt Nam, các vấn đề đặt ra với du lịch vùng Bắc Trung bộ nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng; thực trạng và giải pháp thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Trị và các tỉnh, thành phố trong khu vực; tiềm năng, các lợi thế cạnh tranh và giải pháp tăng cường phát triển du lịch Quảng Trị trong bối cảnh mới.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, phải trả lời được câu hỏi, làm thế nào để du lịch Quảng Trị có thể tận dụng được các dư địa phát triển vốn có để bứt phá, trở thành điểm đến du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, nổi bật của miền Trung. Làm thế nào để du khách muốn tìm đến, trải nghiệm thắng cảnh tự nhiên và tìm hiểu những di sản độc đáo. Để giải quyết những vấn đề trên, tỉnh Quảng Trị cần chú trọng xây dựng, quản lý triển khai chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch với tầm nhìn cả trung hạn và dài hạn, để đảm bảo việc khai thác hiệu quả, bền vững những giá trị tài nguyên tự nhiên, lịch sử tỉnh Quảng Trị hiện có. Cần có kế hoạch thu hút đầu tư phát triển một số dự án lớn, hình thành các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ bổ sung, vui chơi giải trí tạo điểm nhấn. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, số hóa các thông tin, tài liệu hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Tăng cường các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng, đặc biệt là với hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình.
Thảo luận về liên kết, hợp tác phát triển du lịch Quảng Trị các đại biểu đề xuất giải pháp phối hợp với hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế trong kết nối, liên kết tạo ra các tour du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ hấp dẫn như: Cố đô nước Việt (Huế) - Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình (Quảng Trị) - Kỳ vĩ Phong Nha (Quảng Bình); xây dựng tour một hành trình ba điểm đến Huế - Quảng Trị - Quảng Bình. Theo đó, Quảng Trị cùng với Thừa Thiên - Huế và Quảng Bình cần xác định những lĩnh vực thuộc thế mạnh của từng địa phương để cùng xây dựng kế hoạch chung kêu gọi đầu tư, hợp tác kinh doanh; cần tập trung đẩy mạnh đầu tư các tuyến đường nối các tuyến, điểm du lịch chính của Quảng Trị với các địa phương lân cận để hình thành những tuyến, điểm du lịch đặc trưng.
Sức bật cho du lịch Quảng Trị
Dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch Quảng Trị vẫn có những điểm nghẽn về cơ chế chính sách; công tác xúc tiến quảng bá điểm đến cũng như sản phẩm đặc trưng; hệ thống dịch vụ còn nghèo nàn, manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; định vị thương hiệu du lịch của tỉnh chưa rõ ràng; liên kết giữa các điểm du lịch, loại hình du lịch, loại hình dịch vụ còn yếu; hợp tác trong phát triển du lịch với các tỉnh trong vùng chưa hiệu quả. Từ đó, tại hội nghị, đại biểu đề xuất các giải pháp tháo gỡ để thu hút đầu tư; định hướng chiến lược phát triển các lợi thế cạnh tranh của du lịch Quảng Trị; ý nghĩa và tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Trị và các tỉnh trong khu vực; vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch chuyên nghiệp; cơ hội cho Quảng Trị gợi mở từ các xu hướng du lịch mới; chính sách và các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn bình thường mới; giải pháp gắn giá trị lịch sử văn hóa, ẩm thực Quảng Trị với phát triển du lịch…
Theo các chuyên gia du lịch, xu hướng có ảnh hưởng tới định hướng phát triển du lịch hậu COVID-19 mà tỉnh Quảng Trị nên cân nhắc đó là du lịch xanh; du lịch nội địa và khu vực; đi du lịch có mục đích (tập trung vào chất lượng hơn số lượng); phân phối tiếp thị trực tuyến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tạo cơ hội cho các điểm đến mới. Để nắm bắt xu thế du lịch mới, Quảng Trị cần đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tốt đầu tư vào du lịch, trong đó cần ưu tiên các doanh nghiệp số trong ngành du lịch; phát triển lữ hành nhằm tạo ra các nhóm sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; kích cầu và tiếp thị dài hạn với thị trường mục tiêu và tăng kết nối; thành lập tổ chức quản lý điểm đến… Gợi mở về tour du lịch Quảng Trị trong thời gian tới, tỉnh cần có chính sách động viên, khuyến khích để các đơn vị kinh doanh lữ hành trong nước xúc tiến hình thành các tour du lịch đến Quảng Trị bằng đường tàu hỏa, đường hàng không và tour du lịch tự lái với các hành trình khám phá…
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, liên kết và hợp tác là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như hiện nay. Hội nghị đã có rất nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận, đóng góp nhiệt tình, tâm huyết của các chuyên gia du lịch, các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch với mong muốn cùng bắt tay kết nối, liên kết nhằm tạo ra các tour du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ hấp dẫn thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Trị.
Tỉnh Quảng Trị đang triển khai nhiều hoạt động có tính chiến lược nhằm đảm bảo một cơ sở hạ tầng đồng bộ hỗ trợ cho việc phát triển du lịch. Về đường hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Quảng Trị nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng sân bay Quảng Trị. Về đường thủy, Quảng Trị cũng đang xúc tiến với các nhà đầu tư lớn để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng cảng nước sâu Mỹ Thủy. Về đường bộ, Quảng Trị cũng đã lập kế hoạch đầu tư đường ven biển, kết nối với tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế; mở đường từ thành phố Đông Hà về Cửa Việt, liên kết vùng biển với Hành lang kinh tế Đông Tây.
Để tập trung đầu tư, sản phẩm, dịch vụ du lịch đủ sức hấp dẫn du khách, tỉnh nhận thấy cần học hỏi thêm kinh nghiệm phát triển các sản phẩm du lịch từ hai tỉnh bạn Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, bên cạnh chú trọng giải pháp liên kết kích cầu du lịch nội địa với các tỉnh trong khu vực, để đón đầu du lịch quốc tế hậu COVID-19, khai thác tiềm năng lợi thế tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Trị thực hiện thí điểm cấp phép cho xe ô tô cá nhân, xe khách vận chuyển khách du lịch có tay lái bên phải của Thái Lan (trước mắt là tỉnh Mukdand, các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan) vào tham quan các khu, điểm du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, Hiệp hội Du lịch Quảng Trị với Vietravel; Hội Lữ hành tỉnh Quảng Trị và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội đã trao biên bản ghi nhớ liên kết phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị; Tập đoàn T&T tài trợ tỉnh Quảng Trị 3 tỉ đồng kinh phí phát triển du lịch.