Liên kết vùng - chìa khóa cho sự phát triển

Thời gian qua, các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là các tỉnh, thành thuộc mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) tăng cường liên kết góp phần gia tăng năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm chủ lực: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Tỉnh Đồng Tháp cũng đưa ra nhiều định hướng đối với chủ trương liên kết vùng nhằm khai thác hết những tiềm năng vốn có của vùng…

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect 2019

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan chia sẻ tại diễn đàn Mekong Connect 2019

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, địa phương xác định tiếp tục phát triển trên nền tảng nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì vận hành theo “tư duy sản xuất”, tỉnh hướng tới “tư duy kinh tế”, với mục tiêu là giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến.

Đồng thời, tỉnh còn quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhằm tạo ra giá trị gia tăng, thông qua việc thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác. Đặc biệt là ứng dụng thành tựu của công nghệp 4.0 vào quy trình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản.

Trên tinh thần xây dựng nền nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, Đồng Tháp còn tính toán đến việc suy giảm nguồn tài nguyên nước. Song song đó, tỉnh phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng cao thu nhập cho người nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, bền vững. Nói cách khác, Đồng Tháp không chia tách nông nghiệp, công nghiệp và du lịch thành 3 lĩnh vực riêng lẻ mà tạo thành một mảnh ghép chặt chẽ, hài hòa “Nông nghiệp - Công nghiệp nông nghiệp - Du lịch nông nghiệp” trên từng không gian sản xuất. Nói cách khác, công nghiệp và du lịch của tỉnh sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp và cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn.

Bằng sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Đồng Tháp từng bước định hình quy hoạch không gian sản xuất và không gian phân bố dân cư. Trong đó, không gian sản xuất được thực hiện theo hướng tích hợp liên xã, liên huyện không bị chia cắt bới địa giới hành chính, đồng thời được dựa trên sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, địa hình, thổ nhưỡng. Trong từng không gian sản xuất, sự kết nối và bổ trợ cho nhau giữa các thành phần kinh tế; kết hợp giữa tích tụ ruộng đất; hình thành các cụm liên kết ngành hàng nông sản với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, các tổ hợp logistic với quy mô nhỏ và vừa tương ứng... tạo nên một chỉnh thể, góp phần vào sự phát triển chung của không gian sản xuất.

Dựa trên mô hình “Ngôi làng thông minh” mà tỉnh đang xây dựng, cùng với việc liên kết ngành hàng sẽ là tiền đề thay đổi về chất lượng nông nghiệp, nâng cao trình độ cho nông dân và đưa diện mạo nông thôn phát triển. Mỗi cụm liên kết ngành nông nghiệp sẽ là hạt nhân cho những không gian sản xuất được gắn kết với những “ngôi làng” này. Ngoài ra, đây còn là sự chủ động trong việc lập kế hoạch cho cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong từng mối quan hệ, các thiết chế về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tập huấn cho nông dân, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển văn hóa cộng đồng, xây dựng xã hội được hình thành còn là mục tiêu hướng đến trong xây dựng nông thôn mới.

Những ý tưởng về một tầm nhìn tương lai chính là “chìa khóa” để Đồng Tháp hiện thực hóa “tư duy kinh tế” từ Nghị quyết 120/NQ-CP. Đây vừa là đề xuất của tỉnh đối với sự phát triển của tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng ĐBSCL. Theo đó, từng tiểu vùng sẽ hình thành các cụm liên kết ngành hàng nhưng quy mô lớn hơn, trở thành hạt nhân phát triển cho cả một không gian bao gồm nhiều tỉnh, thành.

Chia sẻ về liên kết chuỗi giá trị nông sản khu vực ĐBSCL, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết: “Muốn nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản vùng ĐBSCL thì ngành nông nghiệp của vùng phải nắm bắt được xu hướng thị trường để định hướng sản xuất và chế biến nông sản. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản ĐBSCL trên thị trường, xây dựng được ngành hàng hóa chủ lực, thực hiện chuỗi liên kết giá trị ổn định từ khâu đầu vào đến đầu ra nông sản”.

Phát biểu tại sự kiện Mekong Connect 2019, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đồng hành với vùng ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục cùng chung tay với các địa phương vùng ĐBSCL thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hệ thống cung ứng nông sản để tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất và thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Khánh Phan

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/lien-ket-vung-chia-khoa-cho-su-phat-trien-87915.aspx