Liên kết vùng – 'chìa khóa' giúp kinh tế địa phương cất cánh

Chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng. Theo đó, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết đó, ngày 3/8, Tạp chí Kinh Doanh tổ chức Diễn đàn: "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế - Để phát huy thế mạnh địa phương". Liên kết không phải là câu chuyện xa xôi mà gắn liền trực tiếp với “hơi thở hoạt động” của các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN)...

Đã có liên kết nhưng còn lỏng lẻo

Đầu tháng 6 vừa qua, phóng viên VnBusiness có cuộc gặp với ông Nguyễn Đình Hướng, Giám đốc HTX Hưng Thịnh (xã Mường Bú, Sơn La) khi ông đem rất nhiều sản phẩm thế mạnh của Sơn La về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đáng chú ý, trong chuyến thăm đó, HTX Hưng Thịnh đã tìm kiếm được các đơn hàng với số lượng lớn, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm vào 1 hệ thống siêu thị lớn.

Việc đưa đặc sản vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang vào các hệ thống siêu thị lớn được đánh giá là một trong những thành công trong việc xây dựng liên kết gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Việc đưa đặc sản vải thiều của Hải Dương, Bắc Giang vào các hệ thống siêu thị lớn được đánh giá là một trong những thành công trong việc xây dựng liên kết gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Kết quả trên đạt được là hành trình đẩy mạnh mở rộng vùng nguyên liệu đạt chuẩn của HTX ở Sơn La. Ông Hướng cho biết, HTX đang mở rộng liên kết với hàng trăm hộ nông dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn.

“Chúng tôi có những thành viên liên kết để cung cấp nguyên liệu cho HTX, song cũng có những thành viên tham gia vận chuyển, thu mua, đánh giá chất lượng cũng như bán hàng cho HTX”, ông Hướng cho biết, 4 năm qua, HTX đã kiên trì bền bỉ phát triển vùng nguyên liệu và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.

Kết quả, nông sản của HTX đã đi được vào nhiều hệ thống siêu thị lớn trên cả nước như Central Retail, WinMart, Lotte… Năm 2022, HTX Hưng Thịnh đạt doanh thu trên 30 tỷ đồng, thu nhập của thành viên và người lao động được đảm bảo. Đáng chú ý, HTX còn liên kết với nhiều HTX khác ở trên địa bàn tỉnh Sơn La để đáp ứng được khả năng cung cấp lượng hàng với số lượng lớn cho các đối tác.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX, và 120.983 tổ hợp tác, trong đó có 76.456 THT nông nghiệp), thì việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các HTX, tổ hợp tác hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nhìn nhận, Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp. Cho nên, trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay sẽ thấy việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng ông Hùng cho rằng, vẫn còn khá lỏng lẻ, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp.

Trong đó, vai trò của liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là cực kỳ cần thiết. Điều này nhằm giúp nông dân thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau. Bản thân các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý. Từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, hợp tác xã), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc liên kết nông dân với người kinh doanh, chế biến, buôn bán dọc theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cơ hội kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững.

Giải pháp thúc đẩy liên kết

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), chuỗi giá trị sản phẩm liên kết vùng là yếu tố quan trọng đặc biệt để bảo đảm cho liên kết vùng có hiệu quả nhưng lại là khâu chưa được thể hiện rõ trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng hiện nay.

Thực tế, các địa phương hiện nay đều đang tận dụng những lợi thế sẵn có của mình để phát triển kinh tế nhanh hơn. Kết quả là, mặc dù các tỉnh đã có chương trình ký kết hợp tác nhưng vẫn chưa khai thác hết các điều khoản đã ký kết.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng. Qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, HTX sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.

Để đẩy mạnh liên kết vùng gắn với phát huy thế mạnh địa phương, Bộ Công Thương đề xuất thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về liên kết vùng. Việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về liên kết vùng thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành, các chính sách cụ thể… sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý và tiền đề để thúc đẩy phát triển liên kết vùng, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bình ổn thị trường.

Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

Trong khi đó, TS. Vũ Mạnh Hùng khuyến nghị, cần kết hợp quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên môn hóa với quy hoạch phát triển ngành hàng nhằm tập trung nguồn lực và chính sách cho những sản phẩm thế mạnh của vùng để sớm hình thành vùng kinh tế nông nghiệp phát triển và ngành hàng nông sản mạnh. Trong đó, luôn đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác thiết thực của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, TS. Hùng nhấn mạnh tới giải pháp liên kết và nâng cao kỹ năng cho nông dân. Thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX, liên minh HTX) chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong thời gian tới.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế.

"Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng", bà Minh nhấn mạnh.

Thực tế, khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ “cất cánh”, từ đó đời sống bà con nông dân giàu mạnh, và chính các chủ thể là HTX, DN cũng lớn mạnh hơn.

VnBusiness phát trực tiếp Diễn đàn "Liên kết vùng trong phát triển kinh tế - Để phát huy thế mạnh địa phương" trên nền tảng Facebook Fanpage: https://www.facebook.com/vnbusiness.vn bắt đầu từ 8h30 ngày 3/8/2023.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/lien-ket-vung-apos-chia-khoa-apos-giup-kinh-te-dia-phuong-cat-canh-1094347.html