Liên kết vùng để cùng thắng

Được tiếp cận và đưa sản phẩm lên kệ tại các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn... là đích đến của nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong bối cảnh nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường, thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững thì liên kết vùng được xem là mở rộng cánh cửa để lưu thông hàng hóa.

Liên kết để tạo “điểm đến” cho các nông sản vùng miền. Ảnh: Quang Vinh.

Liên kết để tạo “điểm đến” cho các nông sản vùng miền. Ảnh: Quang Vinh.

Lực đẩy tiêu thụ sản phẩm

Nhiều năm qua, thông qua các hội nghị kết nối giao thương, cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác cung ứng hàng hóa với trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được ký kết. Chỉ tính riêng trong năm 2022 các chuỗi của 43 tỉnh, thành phố đã cung cấp về Hà Nội: 162.500 tấn rau; 53.557 tấn trái cây; 60.429 tấn thịt; trên 130 triệu quả trứng; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến; 49.129 tấn lương thực.

Trong đó, một số tỉnh đưa hàng về Hà Nội như tỉnh Hòa Bình cung ứng trên 1.600 tấn cá sông Đà, trên 18.000 tấn trái cây; tỉnh Sơn La cung ứng trên 19.000 tấn rau, củ quả; Công ty WinEco Tam Đảo, Vĩnh Phúc, cung cấp cho hệ thống siêu thị tại Hà Nội trên 2.000 tấn rau, củ; Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội trên 1.000 tấn thịt lợn, Công ty Mavin cung cấp trên 700 tấn xúc xích cho Hà Nội; tỉnh Lâm Đồng cung cấp từ 7-10% sản lượng rau cho Hà Nội với trên 66.000 tấn; tỉnh Đăk Lắk cung cấp trên 3.000 tấn trái cây…

Đánh giá về lợi ích mà hoạt động kết nối cung - cầu giữa Hà Nội với các tỉnh, thành mang lại, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, chương trình giao thương, kết nối cung cầu đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá. Theo bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và Thương mại Hà Trung (tỉnh Phú Yên), hoạt động kết nối cung - cầu Hà Nội là cơ hội để DN đưa các sản vật vùng miền đến các nhà cung cấp, DN bán lẻ Hà Nội tiêu thụ góp phần giúp người nông dân tăng thu nhập, đồng thời hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ sản phẩm.

“Thông qua hoạt động kết nối tiêu thụ, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các DN bán lẻ chủ lực Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng các quy định để đưa vào các kênh phân phối hiện đại tiêu thụ” - bà Hà nói.

Nhận thấy việc kết nối giao thương liên kết giữa các vùng góp phần luân chuyển, lưu thông hàng hóa, mới đây tại Nghệ An đã diễn ra chương trình “Kết nối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ”. Thông qua chương trình, bộ phận thu mua của Hệ thống siêu thị GO!, Big C thuộc tập đoàn Central Retail đã kết nối thành công với nhiều nhà cung cấp tiềm năng và tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác (MOU) ngay tại sự kiện. Cụ thể: ở nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), Central Retail đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 4 nhà cung cấp tiềm năng, gồm: Công ty sản xuất và thương mại D’FOODS, (Nghệ An), HTX Tài Hoan,(Bắc Kạn); Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia, (Thanh Hóa); Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc (Hà Nam)…

Liên kết vùng là cánh cửa lưu thông hàng hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Liên kết vùng là cánh cửa lưu thông hàng hóa. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo “sân chơi” công bằng cho các doanh nghiệp

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình trạng sản xuất nông sản chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững... để tăng tiêu thụ sản phẩm cho DN và hợp tác xã, nhà sản xuất rất cần sự “chuyển mình” về mặt liên kết vùng. Trong thời gian qua nhiều địa phương đã chủ động liên kết giao thương hỗ trợ DN, nhà sản xuất khai thác lợi thế từ thị trường nội địa. Tuy nhiên, theo đánh giá hoạt động này vẫn còn nhỏ lẻ, mới chỉ dừng lại ở tạo cơ hội kết nối cho DN, nhà sản xuất mà chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phân phối sản phẩm…

Thực tế phản ánh từ các DN, hợp tác xã (HTX), nhà sản xuất cho biết nhờ có các hoạt động kết nối đã giúp các DN chủ động được sản lượng và thị trường tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm có tính thời vụ. Tuy nhiên, trong quá trình đưa hàng tiếp cận hệ thống phân phối hiện gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (Bình Dương) cho biết: Nhiều năm chào hàng siêu thị nhưng HTX gặp không ít khó khăn, trong đó có hệ thống siêu thị chào hàng 6 lần vẫn không nhận được hồi âm. Từ khó khăn này ông Quyết đề xuất, ngành chức năng cùng địa phương cần có cơ chế tạo liên kết với các siêu thị để tạo “sân chơi” công bằng hơn cho những người làm nông sản, HTX có năng lực sản xuất nông sản chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Ở góc độ nhà phân phối, đại diện tập đoàn Central Retail cho rằng, ở các tỉnh còn ít DN đầu mối quy mô lớn thu mua hàng hóa, điều này khiến DN ở Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều loại nông sản của các tỉnh chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển...

Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các DN chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, hiện nay, vẫn còn có xảy ra tình trạng thống lĩnh độc quyền của một số siêu thị, khiến việc đưa hàng Việt, hàng OCOP đạt tiêu chuẩn vào một số siêu thị gặp nhiều khó khăn.

Được tiếp cận và đưa sản phẩm lên kệ tại các hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn... là sự mong đợi và đích hướng đến của nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, HTX, nhà sản xuất. Để làm được điều này Nhà nước, nhà phân phối và nhà sản xuất cần chung tay xây dựng giao thương, kết nối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Trong đó, trách nhiệm của nhà phân phối rất quan trọng, bởi họ nắm rõ người tiêu dùng cần gì, từ đó hướng dẫn định hướng cho nhà sản xuất.

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, trong bối cảnh nông sản sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường; thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững thì, việc liên kết vùng được xem là cánh cửa để lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, việc liên kết vùng phải thực sự có sự “chuyển mình” tạo điều kiện hỗ trợ cho DN liên kết với các địa phương, nhà sản xuất. Bên cạnh đó có những cơ chế hỗ trợ để nhà sản xuất, DN hình thành mạng lưới sản xuất, tiêu thụ phân phối đáp ứng quy trình đảm bảo an toàn lưu thông từ sản xuất đến tay người tiêu dùng.

“Một trong những khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản tại thị trường nội địa chính là khâu vận chuyển, chế biến của chúng ta còn yếu. Hệ lụy là dù có chính sách hỗ trợ phân phối song nhiều sản phẩm vẫn bị dư thừa. Việc liên kết vùng để tiêu thụ hàng hóa rất quan trọng nhưng để việc liên kết đạt hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm” – Chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Lê Minh Long

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lien-ket-vung-de-cung-thang-5713587.html