Liên kết vùng để Đông Nam Bộ phát triển bền vững

Đông Nam Bộ là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là khu vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, chiếm khoảng 41% của cả nước.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Ngày 31/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ và Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại Thành phố đã tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ”.

Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực tiễn và đưa ra nhiều khuyến nghị, tư vấn chính sách đối với các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan về trong việc triển khai, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ, đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách Nhà nước và giải quyết việc làm. Đông Nam Bộ cũng là vùng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là khu vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm khoảng 41% của cả nước.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế, thách thức lớn như: tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; năng suất lao động thấp; các công trình kết nối vùng, trọng điểm của khu vực triển khai tiến độ chậm; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Từ nghiên cứu thực tiễn, các nhà khoa học, quản lý cho rằng, những vấn đề còn tồn tại của vùng Đông Nam Bộ là nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng còn chưa đầy đủ; một số mục tiêu đề ra khá cao trong khi huy động và sử dụng nguồn lực còn hạn chế; phân bổ nguồn lực còn thiếu trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác, thể chế liên kết vùng còn chưa đồng bộ; phân cấp, phân quyền chưa tạo được sự chủ động cho các địa phương...

Gợi mở các chính sách đối với sự phát triển của khu vực nông thôn Đông Nam Bộ thời gian tới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhấn mạnh, cần quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nội vùng và liên vùng đồng bộ; trong đó, ưu tiên xây dựng các trục đường vành đai xuyên qua các tỉnh Đông Nam Bộ để thúc đẩy liên kết vùng và tạo ra tác động tổng hợp có tính tối ưu, lan tỏa nhanh đối với các khu vực ven đô và nông thôn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới cần chuyển từ trọng tâm là đáp ứng các nhu cầu dân sinh sang đáp ứng các yêu cầu sản xuất của nền kinh tế nông thôn gắn với quy hoạch tổ chức không gian sản xuất, đáp ứng các yêu cầu nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ và tuần hoàn. Chính sách an sinh xã hội cần tập trung vào việc cải thiện năng lực thích ứng và hội nhập của hộ di dân nông thôn, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số; trong đó có các yếu tố đóng vai trò nổi bật là nội lực của hộ gia đình, sự hỗ trợ của cộng đồng, giáo dục của trẻ em và thông tin truyền thông chính sách.

Về công tác quy hoạch và thúc đẩy liên kết vùng, Tiến sỹ Phùng Ngọc Bảo, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm động lực phát triển kinh tế của vùng và cả nước. Tuy nhiên, các địa phương cần phải đổi mới tư duy, phương pháp lập quy hoạch; rà soát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Thành phố gắn với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và triển khai các quy hoạch phân khu; nghiên cứu tổ chức bộ máy quản lý đô thị đồng bộ theo vùng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại (GIS), thu hút nhân lực quản lý chất lượng cao để khai thác tối đa các thế mạnh của vùng để phát triển.

Các đại biểu, nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về Đông Nam Bộ. Trong đó nhấn mạnh đến các giải pháp xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối vùng quan trọng, quy mô lớn; dự báo các xu hướng, giải pháp phát triển vùng nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Hoàng Anh Tuấn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lien-ket-vung-de-dong-nam-bo-phat-trien-ben-vung/313630.html