Liên kết vùng: 'Kéo' kinh tế Vùng trung du và miền núi Bắc bộ phát triển
Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác trong cả nước quy mô kinh tế còn nhỏ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của phần lớn các địa phương chậm, cơ cấu kinh tế vùng chỉ là phép cộng cơ học của các địa phương, chưa mang dấu ấn vùng. Vì thế, việc đẩy mạnh, liên kết vùng là hướng đi quả đối với các địa phương trong giai đoạn tiếp theo.
Nghị quyết 37- tạo diện mạo mới cho địa phương
Tai Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” diễn ra sáng nay, ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW (Nghị quyết 37) khẳng định: sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, kinh tế- xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và các địa phương trong vùng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể, tốc độ tăng GDP toàn vùng tăng bình quân giai đoạn 2004-2018 là 10%, hoàn thành tốt mục tiêu Nghị quyết 37 đề ra. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt khoảng 44,86 triệu đồng/người gấp gần 12,9 lần so với 2004.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại đã phát huy được nội lực của vùng, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Đánh giá sơ bộ cho thấy, có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 37 đề ra; có 01/12 chỉ tiêu khả năng đạt được vào 2020; 2/12 chỉ tiêu chưa hoàn thành.
“Có thể nói, Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản đã được hoàn thành”- ông Nguyễn Văn Bình đánh giá.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, cho đến nay, vùng trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất của cả nước. Về năng lực sản xuất, tăng trưởng của một số địa phương chưa thực sự bền vững, với sự phân mảnh trong Vùng khi một số tỉnh như Thái Nguyên, Lào Cai, Bắc Giang đang vươn lên so với các tỉnh khác.
Ngoài ra, đầu tư và hỗ trợ của Trung ương đối với các địa phương trong vùng còn chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của Vùng với cả nước. Quy mô vốn đầu tư của vùng còn thấp, với cơ cấu đầu tư chưa thực sự hợp lý, và hiệu quả chưa cao. Thêm nữa, một số cơ chế chính sách đặc thù cho vùng chưa mang tính đột phá, chưa thực sự phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Văn Bình chỉ ra, năng lực của bộ máy quản lý nhà nước còn một số bất cập; công tác chỉ đạo, điều hành tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều. Môi trường đầu tư và kinh doanh của các tỉnh trong Vùng chậm được cải thiện hơn so với toàn quốc. Cơ bản là còn thiếu một hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô thống nhất trong toàn vùng làm cơ sở cho công tác hoạch định chính sách phát triển.
Ưu tiên các dự án có tính liên kết, lan tỏa
Những điểm cốt lõi nhằm phát triển bền vững vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được các địa phương chủ động bàn bạc, tháo gỡ. Bằng các số liệu, căn cứ khoa học, các ý kiến đã thẳng thắng phân tích các “nút thắt”, “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách, nguồn lực; cơ hội, thách thức, điểm mạnh, bao gồm: Quan điểm, cơ chế, chính sách và nguồn lực nhằm tích hợp các quy hoạch để thu hút và khai thông các nguồn lực nhằm phát triển vùng vùng; Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…Quan trọng hơn là cơ chế, chính sách huy động và phân bổ các nguồn lực cho kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung Du và miền núi Bắc Bộ.
Đánh giá về Nghị quyết 37, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, mặc dù Nghị quyết đã cơ bản hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của Bộ Chính trị, nhưng Nghị quyết cần quan tâm hơn tới 4 điểm nghẽn như: Cơ sở hạ tầng; cơ chế thu hút nguồn lực; nguồn nhân lực và liên kết vùng. “Riêng vùng Tây Bắc, nếu không đẩy mạnh liên kết vùng khó có thể phát triển”- Thứ trưởng Đặng Hoàng An lưu ý.
Thứ trưởng cũng cho rằng, định hướng đẩy mạnh phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sắp tới cần xem xét vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tăng trưởng phát triển công nghiệp. Thứ trưởng gợi mở, nên quan tâm hơn ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Chúng ta biết độ che phủ rừng ở khu vực này cao nhất cả nước, đang phấn đấu lên 60%. Năm nay, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 11 tỷ USD, nhưng thặng dư của ngành rất lớn hơn 8 tỷ USD. So với các ngành xuất khẩu, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản có giá trị gia tăng cao. Hiện công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ, đứng thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 2 châu Á. Theo đó phát triển lâm sản chế biến gỗ là lối mở cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ.
Liên quan đến phát triển thương mại vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An phân tích, Nghị quyết 37 đề cập đến phát triển kinh tế cửa khẩu, thực ra bản chất là đẩy mạnh xuất khẩu. Mục tiêu tận dụng tối đa thị trường Trung Quốc, đây được coi là thị trường lớn một năm kim ngạch xuất khẩu đạt 41 tỷ USD. “Để khai thác thị trường này đi kèm theo phải phát triển logicstic dọc các tuyến đường, các cửa khẩu. Chính vì vậy tập trung phát triển hạ tầng giao thông phải là bước đột phá trong phát triển vùng Tây Bắc, cần kiến nghị cụ thể nội dung này”- Thứ trưởng nêu cụ thể.
Trước những ý kiến, đề xuất của các địa phương và các bộ, ngành, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị: cần thay đổi suy nghĩ phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ không phải chỉ cho vùng mà phải đặt vùng trong tổng thể cả nước, trong liên kết với hành lang Đông Tây và hành lang Bắc Nam, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc Bộ.Đại diện một số địa phương cho rằng, cần làm rõ về các tiềm năng lợi thế của từng địa phương trong vùng, tập trung vào các thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu, các hành lang kinh tế… Nhiều ý kiến có tính gợi mở về các lĩnh vực, các đột phá cần tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư để tạo ra các động lực tại chỗ nhằm phát triển kinh tế- xã hội vùng, các địa phương thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch. Những đề xuất để giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh sinh thái và đảm bảo quốc phòng an ninh; giữa đảm bảo phát triển nhanh và bền vững; giữa khai thác tài nguyên và giữ gìn cảnh quan để phát triển du lịch.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phải cân nhắc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và xây dựng ở mức vừa phải, thay vào đó tập trung chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp. “Phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách trung ương đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Việc đầu tư cần trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng” – Trưởng ban Kinh tế Trung ương lưu ý.
Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị, Ban Chỉ đạo đề án tiếp thu các ý kiến đóng góp và ghi nhận đề xuất Trung ương ban hành một Nghị quyết mới để có định hướng và động lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển vùng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và vị trí chiến lược của vùng.