Liên kết vùng: Muốn đi xa phải đi cùng nhau

Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Tuy nhiên, câu chuyện liên kết 4 nhà, liên kết vùng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương do Tạp chí Kinh Doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 3/8 đã tìm cách hóa giải những khúc mắc này.

Bốn bề kêu khó

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp, thì việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô. Tuy vậy, trên thực tế, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.

Liên kết vùng sẽ giúp tiêu thụ nông sản tốt hơn.

Liên kết vùng sẽ giúp tiêu thụ nông sản tốt hơn.

Có cùng quan điểm, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, tính lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa vượt trội; các vùng khó khăn phát triển thiếu bền vững, khoảng cách giữa các vùng chưa được thu hẹp; liên kết vùng còn yếu, nhất là giữa các tỉnh và thành phố…

Từ phía doanh nghiệp (DN), được kỳ vọng là đầu tàu dẫn dắt nông dân trong bài toán tiếp cận thị trường, liên kết vùng, song bản thân các DN cho rằng rất khó hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm vì nhiều sản phẩm không đạt điều kiện. Ông Trần Mạnh Chiến, CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm chia sẻ, Bác Tôm ưu tiên phân phối sản phẩm hữu cơ. Các nhà sản xuất phải đáp ứng chứng nhận an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ… song hiện tại, rất hiếm đơn vị của Việt Nam đạt chứng nhận này.

“Bác Tôm mong mỏi và tha thiết đề xuất Nhà nước hỗ trợ xây dựng các chứng nhận chất lượng cho bà con. Thời gian qua, Bác Tôm mất rất nhiều công sức tìm kiếm sản phẩm, đồng thời phải chứng minh với khách hàng về độ tin cậy và kiểm tra chất lượng sản phẩm từ chính nhà sản xuất đưa ra….", ông Chiến cho hay.

CEO Bác Tôm nêu thực tế, có nhà sản xuất nói đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng khi kiểm tra còn nhiều điều kiện chưa đạt chứ chưa nói tới chứng nhận cao hơn là hữu cơ. Ngoài ra, theo ông Chiến, các HTX cần phải thông thạo về sử dụng thương mại điện tử, công nghệ thì sẽ được ưu tiên. “Hệ thống vận hành của chúng tôi sử dụng phần mềm, hạn chế hóa đơn thủ công. HTX cần sử dụng các ứng dụng cơ bản để hai bên giao dịch với nhau”, ông Chiến nói.

Ở góc độ người sản xuất, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) cho rằng: “Liên kết mà đẩy cái khó khăn cuối cùng về người nông dân là không tạo ra được “sân chơi” và giá trị thực thụ cho chủ thể liên kết". Theo ông Hùng, đáng lẽ các DN phân phối phải là bên “đặt hàng” cho nông dân sản xuất gì, bán cho ai, tiêu chuẩn ra sao, mẫu mã bao bì thế nào. Song thực tế, nông dân vẫn phải tự bơi. “Chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu là những chủ thể đầu ra, chưa biết phải tìm đến ai, cơ quan quản lý nào để tiếp cận thông tin, chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn”, ông Hùng than phiền.

Cần thêm chính sách phát triển kinh tế vùng

Tuy nhiên, không phải tất cả đều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) cho biết, từ khi Vinasamex thành lập đã hướng tới xuất khẩu nông sản đi nhiều nước trên thế giới. Năm 2012, DN quay về Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị, làm việc trực tiếp với bà con nông dân Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn. Hiện, DN đang liên kết với 3.000 bà con nông dân.

Bà Huyền cho hay, lúc đầu quay về Việt Nam xây dựng liên kết vùng gặp rất nhiều khó khăn, đó là sự tin tưởng của người dân. Người dân không tin, sợ DN đưa ra giá thấp. DN mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo cho các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Song, DN tiếp cận còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa tiếp cận được. Vì vậy, rất mong cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các ưu đãi trên, cắt giảm thủ tục hành chính; nhất là về tiếp cận nguồn tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi..”, bà Huyền đề xuất.

Từ góc độ cơ quan quản lý, đại diện Bộ Công thương cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung về sản phẩm, hạn chế tổn thất cho người nông dân; nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Duy trì, đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, đồng thời kết nối giữa DN sản xuất, phân phối của các tỉnh, thành phố với nhau.

“Khi bàn về tính liên kết, ông cha ta thường nói “ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, “hợp quần gây sức mạnh”, “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Nếu có sự liên kết vùng một cách thực chất và hiệu quả hơn thì kinh tế của các địa phương sẽ phát triển lớn mạnh hơn và các DN, HTX cũng phát huy được vai trò, tiềm năng của mình. Tôi hy vọng các địa phương sẽ có sự dẫn dắt mạnh hơn trong liên kết vùng, để là điểm tựa cho DN, HTX đi vào guồng máy liên kết, cùng nhau “kéo” sức tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt và vươn lên tầm cao mới”, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam kỳ vọng.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/lien-ket-vung-muon-di-xa-phai-di-cung-nhau-i702623/