Liên kết xây dựng thương hiệu sầu riêng

Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu nông sản gặp không ít khó khăn song có một trang trại ở huyện Hớn Quản vẫn mạnh dạn nhận bao tiêu đầu ra, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sầu riêng, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với mong muốn đưa sầu riêng Hớn Quản vươn xa. Đó là trang trại sầu riêng Chánh Thu, ấp Sóc Ruộng, xã Tân Hưng, một điển hình cho bước đi táo bạo của nhà nông trước đại dịch.

Có kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật, toàn bộ 11 ha sầu riêng của trang trại Chánh Thu được tưới tự động. Chú trọng chăm sóc cây vào mùa lạnh, đánh dấu mã số cây, dùng ký hiệu để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch, quản lý sâu bệnh cũng như quy trình chăm sóc chuẩn hữu cơ là giá trị cốt lõi để sầu riêng Chánh Thu đạt chuẩn chất lượng, vươn ra thị trường thế giới.

Toàn bộ 11ha sầu riêng của trang trại Chánh Thu đều được tưới bằng hệ thống tự động

Toàn bộ 11ha sầu riêng của trang trại Chánh Thu đều được tưới bằng hệ thống tự động

Ông Nguyễn Văn Em, quản lý trang trại sầu riêng Chánh Thu cho biết: “Sầu riêng ở đây được chăm sóc theo hướng hữu cơ, chủ yếu dùng phân, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, vừa đảm bảo sức khỏe công nhân, bảo vệ môi trường và tạo độ thoáng cho rễ, thuận lợi cho cây trao đổi chất, phát triển. Giống sầu riêng chủ yếu là Monthong, đạt sản lượng 150 tấn/năm”.

Theo ông Em, Bình Phước đất đỏ bazan rất phù hợp với cây sầu riêng, đặc biệt là giống sầu riêng Monthong. Tại Hớn Quản, sầu riêng được trồng nhiều ở các xã Tân Lợi, Tân Hưng, An Khương, Minh Tâm. Song, phần nhiều nông hộ trồng sầu riêng ở đây có thói quen trồng chủ yếu để ăn, dư thì bán cho chợ truyền thống, thương lái. Lối canh tác sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học gây bất lợi cho môi sinh. Vì vậy, ông Em sẵn sàng kết nối tiêu thụ, chia sẻ kinh nghiệm để người trồng nâng cao giá trị kinh tế.

Thị trường xuất khẩu chính của trang trại Chánh Thu là Trung Quốc và Mỹ, cùng một số nước châu Âu. Với ưu điểm béo, ít ngọt, sầu riêng của trang trại Chánh Thu được cấp đông thành khối để xuất khẩu. Để sầu riêng Hớn Quản xuất ngoại thì đòi hỏi nhiều yêu cầu. Nếu quyết tâm thay đổi lối canh tác truyền thống thì việc sầu riêng Hớn Quản xuất ngoại là không khó.

Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hớn Quản cho biết: Để sầu riêng xuất khẩu được thì sản phẩm phải được cấp mã vùng. Chúng tôi đã vận động trang trại Chánh Thu lập hội nhóm trồng sầu riêng trên địa bàn huyện để kết nối các nhà vườn. Phòng mong muốn thời gian tới, trang trại sầu riêng Chánh Thu sẽ hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT để được cấp mã vùng trồng, đảm bảo sầu riêng của huyện Hớn Quản được xuất khẩu với tên gọi và mã vùng của huyện.

Sau giãn cách xã hội, cuộc sống bình thường mới đem đến một sắc thái kinh tế buộc con người phải thay đổi để thích nghi. Và việc mỗi nông hộ trồng sầu riêng nỗ lực để đưa trái sầu riêng xuất ngoại, gia tăng giá trị thay vì chỉ quanh quẩn trong “ao nhà” là thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho không ít nông hộ trồng sầu riêng trên địa bàn huyện.

Thanh Mai

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/50/129370/lien-ket-xay-dung-thuong-hieu-sau-rieng