Liên miên nhậu cuối năm

Không khí cuối năm rộn ràng với những bữa tiệc rực rỡ ánh đèn, tiếng cười đùa, là dịp để mọi người thêm gắn kết và sẻ chia. Những câu chuyện đáng nhớ từ bữa tiệc càng làm không khí thêm ấm áp, nhưng liệu có tiềm ẩn rủi ro nào phía sau niềm vui ấy?

Tiệc cuối năm - sợi dây gắn kết cộng đồng

Tại tầng 14 khu chung cư Đại Kim (quận Hoàng Mai), không khí Tết đã ngập tràn khắp tầng. Hàng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cư dân sinh sống tại đây thường xuyên tổ chức buổi tiệc tất niên, giao lưu, tăng sự gắn kết giữa các hộ gia đình.

Chị Nguyễn Thị Huyền (cư dân tầng 14 khu chung cư Đại Kim) chia sẻ: "Tầng chung cư của chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi tụ tập để cùng chia sẻ, giao lưu, liên hoan ăn uống. Mỗi gia đình đều được phân công một phần công việc để cùng tổ chức".

Chỉ cần trải một tấm bạt lớn, vài nồi lẩu, cùng những món ăn được các gia đình chuẩn bị đã biến khu vực hành lang chung của tầng trở thành một không gian tổ chức tiệc tại gia vô cùng ấm cúng.

Dẫu biết rằng, những buổi tất niên tại gia sẽ để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, tăng tình làng nghĩa xóm, nhưng không thể phủ nhận, đằng sau những niềm vui ấy lại tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Tiệc cuối năm: Khi cuộc vui thành nỗi lo

Cuối năm, ai nấy như đang tham gia một "cuộc đua marathon" của những bữa tiệc liên hoan không hồi kết. Có người mỗi tuần phải "chạy" 2-3 cuộc, từ tiệc gia đình, bạn bè cho đến đồng nghiệp. Nhưng khổ nhất vẫn là những màn mời rượu, mà thực chất là "ép uống trá hình" khiến không ít người chỉ nghe thôi đã muốn rùng mình.

Hậu quả thì chẳng phải chuyện đùa. Như vụ ngộ độc rượu ở Long Biên gần đây: hai người không qua khỏi, nhiều người khác phải cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì uống rượu trắng không rõ nguồn gốc.

Ông Nguyễn Văn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - một trong những nạn nhân của vụ ngộ độc rượu cho biết: "Tôi không ngờ được sống lại. Nghe người nhà kể lại lúc đó là chân tay tím tái, cơ hội sống mong manh". Nhập viện trong tình trạng nguy kịch, mạng sống của ông được tính bằng giây. Sau khi được các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hồi sức và lọc máu liên tục, ông may mắn qua khỏi và trở về nhà. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy, hiện các bác sĩ vẫn ngày đêm miệt mài cứu chữa cho những bệnh nhân khác, trong đó có không ít trường hợp nghiêm trọng.

Sau những cuộc vui, bàn tiệc ngổn ngang và những lời mời rượu không dứt có thể dẫn đến hậu quả khó lường nếu thiếu kiểm soát. Uống rượu quá đà, đặc biệt với tâm lý "ép uống" dễ gây ngộ độc, thậm chí đe dọa tính mạng, trong khi phụ nữ và người trẻ thường chịu áp lực xã hội nặng nề. Tình trạng say xỉn khi lái xe dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm, gây mất mát gia đình và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc. Ngoài ra, thực phẩm không đảm bảo nguồn gốc hoặc chế biến qua loa có thể gây ngộ độc tập thể, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Tiệc vui thì có, nhưng hãy nhớ, cầm ly lên dễ, hạ hậu quả xuống khó. Nâng ly có thể vui, nhưng đừng để năm mới bắt đầu bằng một cái kết đắng!

Tiệc tùng có trách nhiệm

Hiện nay, có rất nhiều cách để chúng ta có những bữa tiệc, có những niềm vui mà không cần phải dùng đến quá nhiều rượu. Bởi vì chúng ta có rất nhiều cách để làm bữa tiệc trở nên ý nghĩa và an toàn hơn.

Những bữa tiệc cuối năm có thể tràn đầy niềm vui và ý nghĩa mà không cần đến rượu bia. Các công ty có thể tổ chức trò chơi, buổi gala với những màn trình diễn của nhân viên và hỗ trợ xe đưa đón để đảm bảo an toàn. Trong các buổi tụ họp bạn bè, việc thống nhất uống có kiểm soát và tham gia các hoạt động như kể chuyện, chơi game, hoặc hát karaoke mang lại không khí vui vẻ, gắn kết.

Trong khi đó, cộng đồng cư dân có thể tổ chức các hoạt động như thi nấu ăn hoặc biểu diễn văn nghệ, đồng thời nâng cao ý thức về nguy cơ từ rượu bia và thực phẩm kém chất lượng. Bằng cách này, niềm vui sẽ được sẻ chia trọn vẹn mà không phải đánh đổi bằng sức khỏe hay sự an toàn.

Xu hướng đồ uống không cồn

Hiện nay nhu cầu về đồ uống không cồn ngày càng tăng ở giới trẻ. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng nhiều về sức khỏe và thể chất của người tiêu dùng. Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, thị trường đồ uống không cồn dự kiến sẽ đạt 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2035, tăng hơn gấp đôi so với năm 2023.

Những nghiên cứu mới đây cho thấy, thị trường đồ uống ít cồn hoặc không cồn trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 31% vào năm 2026. Tại châu Âu, 29% người tiêu dùng đã lựa chọn mua đồ uống ít cồn và không có cồn trong năm qua, so với 37% người tiêu dùng đã mua đồ uống có cồn. Số lượng đồ uống không cồn ra mắt ở châu Âu tăng trưởng nhanh gấp 5 lần so với tổng số đồ uống có cồn ra mắt trong khu vực. Thế hệ Z và Thế hệ X có chỉ số vượt trội về mức độ thâm nhập mua hàng không chứa cồn.

Xu hướng này cũng đang gia tăng trên thị trường Mỹ, Australia và New Zealand, nguyên nhân chính là do nhận thức về tác hại của rượu, bia. 53% số thanh thiếu niên từ 15 - 17 tuổi ở Australia cho rằng, đồ uống không cồn "hấp dẫn" với họ và hơn 1/3 trong số đó đã dùng loại đồ uống này.

Tương tự, khảo sát của công ty phân tích thị trường đồ uống toàn cầu International Wine and Spirits Record (IWSR) cho thấy, 64% người trẻ ở Mỹ đủ tuổi mua đồ uống có cồn đã không dùng rượu, bia trong 6 tháng qua.

Giới trẻ đang phải chịu nhiều áp lực hơn so với các thế hệ trước để thành công trong công việc và việc say xỉn đi ngược với các nỗ lực đó. Sự lên ngôi của lối sống lành mạnh với việc tham gia các hoạt động thể thao, ăn uống khoa học, cũng góp phần hình thành thói quen "không cồn" ở giới trẻ.

Lê Thắng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lien-mien-nhau-cuoi-nam-293592.htm