Liên minh AUKUS đánh trúng điểm yếu tác chiến của Trung Quốc

Thỏa thuận thành lập liên minh AUKUS củng cố hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, đặt hải quân của Trung Quốc vào tình thế bị đe dọa trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hạm đội tàu ngầm hạt nhân mà Mỹ hỗ trợ Australia phát triển sẽ trở thành một phần trong mạng lưới tàu ngầm của Washington và các đồng minh, đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Đây là công cụ răn đe mọi hoạt động trên biển của Trung Quốc ở khu vực, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn bị bỏ lại khá xa về năng lực tác chiến dưới nước, theo Wall Street Journal.

Đánh vào điểm yếu của Trung Quốc

Những năm qua, Trung Quốc tập trung nguồn lực đẩy nhanh xây dựng quân đội. Bắc Kinh có kế hoạch chi hơn 200 tỷ USD trong năm 2021 để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Lúc này, Trung Quốc là nước có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, vượt qua Mỹ về số tàu mặt nước.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh mở rộng kho tên lửa nhắm vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản, Guam hay các tàu sân bay, cũng như các hình thức chiến tranh điện tử và lực lượng không gian.

Điều này, về lâu dài, khiến quân đội Mỹ mất đi khả năng hoạt động tự do trên vùng trời và vùng biển châu Á.

Dù vậy, Washington vẫn nắm lợi thế về công nghệ, đặc biệt với 11 nhóm tác chiến tàu sân bay cùng hạm đội tàu ngầm uy lực hơn, khó phát hiện hơn.

Mỹ và Trung Quốc cùng có 62 tàu ngầm tấn công. Nhưng trong khi Mỹ sở hữu 52 tàu ngầm hạt nhân, số tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc chỉ là 7. Số còn lại chạy bằng năng lượng diesel, phải thường xuyên tạm nghỉ và nổi lên mặt nước.

 Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công mà Australia được Mỹ hỗ trợ phát triển có khả năng tiêu diệt tàu ngầm và tàu mặt nước của đối thủ. Những tàu ngầm đầu tiên sẽ xuất xưởng trong 10-20 năm tới.

Tuy vậy, những tàu ngầm này đánh đúng vào điểm yếu quân sự của Trung Quốc. Đó là khả năng định vị và tiêu diệt tàu ngầm, đặc biệt là tàu ngầm hạt nhân.

Theo báo cáo thường niên của Lầu Năm Góc xuất bản năm 2020, dù đạt được những tiến bộ trong khả năng tác chiến dưới nước, Trung Quốc vẫn chưa có được khả năng chống tàu ngầm hiệu quả.

Răn đe tổng hợp

Trong hơn một thập kỷ qua, giới chức quốc phòng Mỹ đã thảo luận cách thức kiềm chế sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc bởi nó làm xói mòn ưu thế tuyệt đối của quân đội Mỹ ở khu vực, theo Financial Times.

Những bước đi đầu tiên của Washington bao gồm cải tổ hoạt động của thủy quân lục chiến, cải tạo hệ thống phục vụ không quân trên các đảo Thái Bình Dương, hay triển khai luân phiên lính thủy đánh bộ và không quân tại miền Bắc Australia.

AUKUS sẽ đưa những nỗ lực này tiến xa hơn nhiều, nó lấp đầy khoảng trống của quân đội Mỹ tại khu vực.

"Chúng ta giờ đã tham gia rất nghiêm túc để củng cố liên minh với Australia, trong bối cảnh sáng kiến Bộ Tứ cũng được đầu tư lớn", David Santoro, chủ tịch tổ chức tư vấn chính sách Pacific Forum, nói.

Với AUKUS, Mỹ không chỉ chia sẻ công nghệ tàu ngầm hay thắt chặt quan hệ quốc phòng cùng Australia. Điều quan trọng hơn cả là Washington có thêm sức mạnh hải quân ở châu Á trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

 Thỏa thuận AUKUS thắt chặt quan hệ quốc phòng Mỹ - Australia. Ảnh: Quân đội Mỹ.

Thỏa thuận AUKUS thắt chặt quan hệ quốc phòng Mỹ - Australia. Ảnh: Quân đội Mỹ.

"Trong dài hạn, AUKUS sẽ tạo ra cán cân lực lượng mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bởi (Mỹ) sẽ có thêm những vũ khí tấn công cực kỳ uy lực", Michael Shoebridge, giám đốc chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia tại tổ chức tư vấn chính sách Australian Strategic Policy, nhận định.

"Chia sẻ công nghệ sẽ thúc đẩy điều mà tôi gọi là răn đe tổng hợp ở khu vực. Năng lực này cho phép quân đội Mỹ phối hợp hiệu quả hơn với các đồng tác và đồng minh trong bảo vệ các lợi ích an ninh chung của chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói.

Các chuyên gia an ninh cho rằng hợp tác quốc phòng ngày càng được củng cố giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ trong khuôn khổ Bộ Tứ cuối cùng có thể đưa đến một dạng thức hạm đội tàu ngầm phối hợp giữa 4 nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Hợp tác này có thể trở thành một mạng lưới đa tầng nấc, khiến các hoạt động mặt nước cũng như dưới nước (của Trung Quốc) trở nên rất khó khăn", Euan Graham, chuyên gia về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại tổ chức tư vấn chính sách Institue for International Strategic Studies, nhận định.

Việc các hạm đội tàu ngầm của Mỹ và đồng minh phối hợp hoạt động sẽ giúp bảo đảm tuyến vận tải khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như eo biển Malacca, luôn lưu thông và được bảo vệ.

Đưa vũ khí hạng nặng áp sát Trung Quốc

Chính quyền Tổng thống Biden khởi động rà soát bố trí lực lượng vũ trang từ tháng 2, nhằm xác định Mỹ cần điều chỉnh hiện diện, phân bổ các nguồn lực tại đâu và khi nào.

Các chuyên gia tin rằng AUKUS là kết quả đầu tiên của quá trình rà soát và điều chỉnh nói trên.

"Đây có thể là khởi đầu của việc triển khai các kết quả của quá trình rà soát", ông Graham cho biết.

Trung tâm chiến lược mới của Mỹ là củng cố quan hệ và liên kết với lực lượng vũ trang các đồng minh và đối tác. Điều này cho phép Washington triển khai lực lượng và hoạt động gần lãnh thổ Trung Quốc hơn, và đôi khi giúp bảo vệ lực lượng Mỹ trước nguy cơ bị tấn công.

"Australia không chỉ là đồng minh chính trị, nước này còn có vị trí địa lý thuận lợi, ngoài tầm bắn của nhiều loại vũ khí của Trung Quốc. Mỹ có thể đặt căn cứ các vũ khí tấn công ở đây giống như thập niên 1940. Công nghệ có thể thay đổi nhiều, nhưng địa lý thì không", ông Graham nói.

Việc không quân Mỹ triển khai luân phiên máy bay ném bom và tên lửa chống hạm ở Australia đặt Hải quân Trung Quốc trước nguy cơ to lớn.

 Căn cứ hải quân HMAS Stirling ở Perth. Ảnh: ABC.

Căn cứ hải quân HMAS Stirling ở Perth. Ảnh: ABC.

Các chuyên gia tin rằng Hải quân Mỹ sẽ đề nghị được sử dụng nhiều vị trí có ý nghĩa chiến lược trọng yếu của Australia. Trong số này có căn cứ hải quân HMAS Stirling ở Perth để đồn trú tàu ngầm hạt nhân, hay đảo Cocos ở Ấn Độ Dương - vị trí thuận lợi để giám sát lối ra vào Biển Đông từ phía tây.

Thỏa thuận AUKUS cũng được coi là một phần trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Đại Dương, nơi Australia từ lâu là cường quốc chiếm thế thượng phong nhưng hiện bị Trung Quốc dòm ngó.

Vài năm qua, hải quân và các tàu nghiên cứu Trung Quốc đang tiến ngày càng xa và áp sát Guam gần hơn bao giờ hết.

Với việc kéo Australia vào liên minh quân sự chặt chẽ, Washington khiến mọi toan tính chiến lược của Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn nhiều.

"Tưởng tượng khi xung đột nổ ra, Trung Quốc đối mặt các vệ tinh do thám và truyền tin quân sự của Australia khi chúng đang chia sẻ tin tình báo cho Mỹ và Anh, Bắc Kinh sẽ phải quyết định có tấn công các vệ tinh này hay không", Drew Thompson, chuyên gia từ Đại học Quốc gia Singapore, nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lien-minh-aukus-danh-trung-diem-yeu-tac-chien-cua-trung-quoc-post1264847.html