Liên minh châu Âu lên án chiến dịch quân sự tại Syria của Thổ Nhĩ Kỳ
Tuyên bố cho rằng hành động quân sự ở miền Bắc Syria đã 'gây ra những hậu quả nghiêm trọng' và lưu ý rằng một số nước, trong đó có Pháp và Đức, đã quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 14/10, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã lên án việc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria, đồng thời nhất trí về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới hoạt động khoan thăm dò khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ tại vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.
Tuyên bố chung sau cuộc họp cấp ngoại trưởng EU ngày 14/10 tại Luxembourg nhấn mạnh EU lên án hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gây suy yếu nghiêm trọng sự ổn định và an ninh của toàn bộ khu vực.
Tuyên bố cho rằng hành động quân sự ở miền Bắc Syria đã "gây ra những hậu quả nghiêm trọng" và lưu ý rằng một số nước EU, trong đó có Pháp và Đức, đã quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ song không áp dụng lệnh cấm vận vũ khí trên toàn EU.
Ngoài ra, các ngoại trưởng EU cũng tái khẳng định sự đoàn kết với Cyprus, đồng thời nhất trí thiết lập một khung pháp lý về các biện pháp trừng phạt liên quan tới hoạt động khoan thăm dò khí đốt gây tranh cãi của Thổ Nhĩ Kỳ ngoài khơi bờ biển Cyprus.
Cùng ngày, phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nghị viện Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết đã có cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Ngoại trưởng nước này Mevlut Cavusoglu tại Istanbul hôm 11/10 vừa qua, trong đó ông đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Ông Stoltenberg đã nhấn mạnh rằng các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền Bắc Syria có nguy cơ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Ông cho biết đã bày tỏ hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế và hợp tác với các đồng minh khác để có thể bảo vệ những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành từ ngày 9/10, sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi một phần khu vực biên giới, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến kéo dài hơn 8 năm tại Syria.
Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của IS và lực lượng người Kurd ở Syria, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Chiến dịch tấn công đã làm dấy lên lo ngại về những nguy cơ mới trong cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực, cũng như ảnh hưởng tới các nỗ lực trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), ít nhất 26 dân thường thiệt mạng trong ngày 13/10 ở Đông Bắc Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh tấn công vào lực lượng người Kurd, trong đó 10 người thiệt mạng trong một cuộc không kích nhằm vào một đoàn xe chở dân thường và nhà báo./.