Liên minh châu Âu ủng hộ Mỹ trở lại Thỏa thuận hạt nhân Iran
Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell - Nguồn: AFP/TTXVN
Liên minh châu Âu ngày 11/1 cho biết họ đang trông chờ sớm làm việc với Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden về khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời bác bỏ cáo buộc của Tehran rằng EU đồng tình với các biện pháp cấm vận của Washington.
Trong một tuyên bố đại diện khối, ủy viên phụ trách đối ngoại của EU Josep Borrell nhấn mạnh: “Chúng tôi hoan nghênh những tuyên bố tích cực của Tổng thống đắc cử Biden về JCPOA và mong muốn làm việc với chính quyền sắp tới của Mỹ”.
Ông Borrell cũng khẳng định EU ủng hộ “ngoại giao tập trung với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc Mỹ quay lại JCPOA và Iran trở lại thực thi đầy đủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân này”.
JCPOA hay Kế hoạch hành động chung toàn diện là tên gọi chính thức của Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc và Đức).
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran. Ông Biden, người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới đây, đã đề cập tới khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận này.
Trong một dấu hiệu cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran, Tổng thống đắc cử Mỹ ngày 11/1 đã đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Trong diễn biến liên quan, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cảnh báo rằng đang gần hết thời gian để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran. Lãnh đạo IAEA nhận định: “Rõ ràng chúng ta không còn nhiều tháng mà chỉ là vài tuần”.
Phát biểu với Reuters (Anh) ngày 11/1, ông Rafael Grossi nhận định rằng thế giới đang bước vào “một thực tế mới” khi Iran bước ra khỏi JCPOA.
Nòng cốt của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt vào quốc gia Trung Đông này. Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý sở hữu không quá 300kg urani làm giàu ở mức 3,67%.
Ông Grossi nói rằng Iran đang hướng tới việc làm giàu urani ở mức 20%. Ngày 4/1, Iran tuyên bố nước này khởi động làm giàu urani ở mức 20%. Để có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân thì urani phải làm giàu ở mức 90%. Tuy nhiên, ông Grossi cũng nhấn mạnh IAEA chưa thể xác định được tuyên bố về việc tăng mức làm giàu urani của Iran chỉ là lý thuyết hay là kế hoạch hành động thực sự.
Cùng ngày 11/1, Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi Anh, Pháp và Đức "thực hiện các nghĩa vụ của những nước này" liên quan tới Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh ba nước thuộc Liên minh châu Âu nêu trên "không những không hoàn thành nghĩa vụ của mình mà còn trở thành đối tác trong việc Mỹ vi phạm JCPOA”.
Ông Khatibzadeh nêu rõ: "Nếu (các nước) châu Âu và Mỹ quay lại (thực hiện những cam kết của họ), chúng tôi cũng sẽ quay lại thực hiện các cam kết của mình”.
Trước đó, nghị sĩ Quốc hội Iran Ahmad Amirabadi Farahani tuyên bố Tehran sẽ trục xuất các thanh sát viên hạt nhân của IAEA rừ phi được dỡ bỏ các lệnh cấm vận trước ngày 21/2.
Ông Farahani cho biết hồi tháng 11/2020, Quốc hội Iran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ đình chỉ việc IAEA thanh tra các cơ sở hạt nhân của Tehran, đồng thời tăng tốc làm giàu urani vượt mức tối đa theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, nếu quốc tế không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nước này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)