Liên minh châu Âu xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trần khí đốt
Ngày 6/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã xem xét đề xuất mới nhất về mức giá trấn khí đốt thấp hơn, ở mức 220 euro (231 USD) trong bối cảnh một tuần nữa là đến cuộc họp của các Bộ trưởng năng lượng được kỳ vọng giải quyết được vấn đề mức giá trần giá khí đốt gây chia rẽ sâu sắc giữa 27 nước thành viên.
Một số quốc gia EU, trong đó có Đức - nền kinh tế lớn nhất EU, đã phản đối ý tưởng về bất kỳ mức giá trần nào, cho rằng việc này có thể gây khó hơn cho việc bảo đảm nguồn cung.
Trong khi đó, Bỉ, Italy và Ba Lan coi việc áp giá trần là cách để bảo vệ người tiêu dùng và nền kinh tế các nước này trước giá năng lượng quá cao.
Theo đề xuất được Cộng hòa Séc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đưa ra vào tối 5/12, mức giá trần sẽ được áp dụng nếu giá khí đốt vượt quá 220 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong 5 ngày đối với giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.
Giá TTF, vốn là mức giá chuẩn của châu Âu, sẽ cần cao hơn 35 euro so với giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên nhiều đánh giá về giá LNG hiện có, để kích hoạt việc áp giá trần.
Đề xuất mới của Séc thấp hơn so với mức giá trần 275 euro/MWh mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất ngày 22/11.
Một số nhà ngoại giao EU cho rằng các nước thành viên vẫn không thay đổi quan điểm của mình và sẽ cần tiến hành cuộc họp khác vào ngày 19/12 sau cuộc họp cấp Bộ trưởng năng lượng EU ngày 13/12.
Dự kiến, các nhà ngoại giao EU ngày 7/12 sẽ thảo luận về đề xuất mới nhất này nhằm nỗ lực tiến gần hơn một thỏa thuận.
Rơi máy bay chiến đấu trong cuộc tập trận quân sự ở Croatia
Hãng thông tấn Hina dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Croatia cho biết một chiếc máy bay MIG-21 đã bị rơi trong cuộc tập trận quân sự ngày 6/12 tại khu rừng không có người sinh sống tại Slatina, Đông Bắc Croatia.
Theo Hina, chiếc máy bay chiến đấu bị rơi vào lúc khoảng 14h chiều (giờ địa phương). Hiện mọi biện pháp để tìm kiếm và cứu hộ phi hành đoàn đang diễn ra.
Truyền thông địa phương cho biết một phi công đã kịp bật dù.
Hồi năm ngoái, Croatia đã đặt mua một loạt máy bay chiến đấu Rafale qua sử dụng của Pháp để thay thế các máy bay MIG-21 cũ kỹ. Những chiếc máy bay đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Các nhà lãnh đạo kêu gọi giải pháp mạnh hơn ứng phó khủng hoảng nợ
Ngày 5/12, tại Geneva đã diễn ra Hội nghị quản lý nợ lần thứ 13 do Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) chủ trì.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các quốc gia và thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh làn sóng khủng hoảng toàn cầu đã khiến nhiều nước đang phát triển phải vay nợ nhiều hơn để giải quyết nhu cầu của người dân.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho rằng cần có các giải pháp đa phương mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.
Mức nợ của chính phủ tính theo tỷ trọng GDP đã tăng ở hơn 100 quốc gia đang phát triển từ năm 2019 đến năm 2021.
Nếu không tính Trung Quốc, mức tăng này ước tính vào khoảng 2 nghìn tỷ USD.
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Caricom-Cuba tại Barbados
Người đứng đầu chính phủ và phái đoàn của 14 nước thành viên Cộng đồng các quốc gia Caribe (Caricom) đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ VIII của khối và Cuba, khai mạc ngày 6/12 tại thủ đô Bridgetown của Barbados nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel nhấn mạnh Hội nghị thượng đỉnh Caricom-Cuba là cuộc hội ngộ giữa những người anh em trong khu vực nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, không gian này sẽ củng cố sự ủng hộ lẫn nhau, tình đoàn kết và quan hệ hợp tác vì sự thịnh vượng của các dân tộc trong Cộng đồng Caribe.
Chủ tịch Díaz-Canel khẳng định quan hệ hợp tác giữa Cuba với Caricom đã góp phần vào sự phát triển của khu vực trong các lĩnh vực nhạy cảm như y tế và giáo dục. Cuba sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cấp học bổng y tế và đào tạo chuyên gia có trình độ cao trong các lĩnh vực khác nhau cho Cộng đồng Caribe.