Liên minh HTX tại Đắk Lắk chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững
Các HTX tại Đắk Lắk đang có nhiều hoạt động giúp người dân tối ưu hiệu quả vùng trồng lúa, qua đó hướng đến xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Đối với thị trường cao cấp, vùng canh tác lúa huyện Ea Súp có ưu thế vượt trội so với các vùng trồng lúa của địa phương khác, do thời gian sản xuất lúa tương đối ngắn, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) còn nằm trong ngưỡng cho phép.
Vùng lúa Ea Súp có thời gian canh tác lệch so với các vùng lúa lớn của cả nước nên thời gian thu hoạch trùng với thời điểm nhu cầu thị trường lúa gạo ở mức cao. Vì vậy, giá lúa thu mua trên địa bàn huyện tương đối cao so với mặt hàng giá lúa bình quân cả nước trong năm. Đây trở thành điều kiện thuận lợi để những nông dân trồng lúa trúng mùa, kinh doanh được giá.
Tuy nhiên, phần lớn hộ dân trồng lúa chưa có nhận thức tốt về phát triển nông nghiệp bền vững, chưa tuân thủ quy trình thu hoạch lúa, lạm dụng phân thuốc hóa học gây ảnh hưởng xấu cho môi trường và sức khỏe con người. Điều này cũng phần nào làm mất đi những lợi thế về vùng nguyên liệu, giảm chất lượng và giá trị lúa, không tạo được thị trường tin cậy với người tiêu dùng.
Những bất cập trên không chỉ tác động đến sản xuất nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhu cầu vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.
Ea Bung là xã biên giới của huyện Ea Súp, kinh tế phần lớn phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng canh tác chưa hiệu quả, phương thức sản xuất còn lạc hậu, làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo; xã Ia Rvê có hơn 1,100 hộ dân kinh tế mới thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, với tỷ lệ chiếm gần 67%; xã Ia Lốp - nơi tập trung sinh sống của nhiều dân tộc anh em, có trên 100 hộ dân nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 70%,…
Để triển khai diện tích giống lúa đồng đều nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để các nhà máy, doanh nghiệp thu mua đồng loạt dễ dàng hơn, những năm qua, Liên Minh HTX Đắk Lắk, Phòng Nông nghiệp huyện Ea Súp và Trạm khuyến nông địa phương đã tích cực quan tâm, phát huy hiệu quả các chương trình hỗ trợ. Đồng thời, ủng hộ và hợp tác cùng các cá nhân, hộ dân, HTX, tổ chức thương mại phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, hướng đến nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Sự hợp tác nhiệt tình của các cá nhân, hộ gia đình, HTX có cùng định hướng giúp nền tảng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Ea Súp đạt chất lượng cao, dần hình thành với 3 chủ thể chính. Bao gồm: HTX DVNN hữu cơ Naomi; HTX Thành Công Ea Lê; HTX Giảm nghèo Easup (GNES).
Mỗi HTX đảm nhận những vai trò khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất gạo và các mặt hàng chế biến từ hạt gạo (bún, phở, hủ tiếu). Cụ thể, HTX DVNN hữu cơ Naomi cung cấp dịch vụ, vật tư, phân bón; Tổ hợp tác GNES1 (thuộc HTX GNES); HTX Thành Công Ea Lê cung cấp dịch vụ, vật tư thu hoạch và sau thu hoạch, sơ chế xay xát gạo; HTX GNES chế biến sản phẩm từ gạo, thương mại và xây dựng thương hiệu.
Trong đó, HTX GNES đã chủ động liên kết với một số hộ nông dân trồng lúa để duy trì hoạt động sinh kế có hiệu quả; hướng dẫn nông dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất nguyên liệu (lúa) và các HTX dịch vụ nông nghiệp (cung ứng vật tư, phân bón, dịch vụ thu hái, sơ chế bảo quản nông sản); hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đầu tư giống, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm và quản lý, giám sát chuỗi liên kết sản xuất (từ đầu vào của việc hình thành sản phẩm để giúp sản phẩm được chất lượng và giảm thiểu hao phí sản xuất).
Đến nay, HTX GNES cùng HTX HTX Thành Công Ea Lê, HTX DVNN hữu cơ Naomi đã được lựa chọn để thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030” của Bộ Khoa học Công nghệ. Nội dung sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ Nhật Bản JAS Organic dưới sự đánh giá của Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUARCERT (Hà Nội).