Liên minh kinh tế Á - Âu hướng tới tăng cường chủ quyền số

Ngày 1/10 (giờ địa phương) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Á - Âu lần thứ ba '10 năm Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) - triển vọng và các ưu tiên' nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký Hiệp ước về Liên minh, tại thủ đô Yerevan của Armenia đã diễn ra phiên họp toàn thể về chủ đề số hóa trong liên minh.

Tại phiên họp có sự tham dự của người đứng đầu chính phủ 5 nước thành viên: Belarus, Kazakhstan, Nga, Armenia (nước chủ tịch EAEU năm 2024) và Kyrgystan, cùng nhiều chính trị gia, lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp, các nước thảo luận vấn đề xây dựng một tương lai số chung.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, chương trình nghị sự kỹ thuật số chiếm vị trí vững chắc trong hệ thống ưu tiên của EAEU và các nước thành viên đang tích cực phát triển một nền tảng thông tin tích hợp. Ông cho rằng, một hệ sinh thái các hành lang giao thông kỹ thuật số chung sẽ cho phép các đối tác kinh doanh trao đổi thông tin hậu cần quan trọng trong toàn bộ chuỗi cung ứng, thiết lập được tuyến đường thuận tiện nhất và đặt thuê cơ sở hạ tầng cần thiết.

Tại diễn đàn, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á-Âu Bakytzhan Sagintayev nhấn mạnh rằng trong khuôn khổ “Liên minh kỹ thuật số”, Armenia và Kyrgyzstan đã triển khai chương trình thí điểm nhận dạng và xác thực công dân và pháp nhân của các quốc gia thành viên mà không cần truyền dữ liệu. Trong tương lai, Kazakhstan cũng sẽ tham gia.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, Yerevan đang xây dựng một kiến trúc kỹ thuật số dựa trên các nguyên tắc tin cậy và bảo mật nhằm hoàn toàn thay đổi các dịch vụ dân sự.

Các cơ quan chuyên ngành của các quốc gia thành viên EAEU đã thống nhất được khái niệm chung về số hóa, dựa trên ba nguyên tắc: không cần thay đổi nền tảng kỹ thuật số quốc gia; đồng bộ hóa và khả năng tương tác liền mạch của các nền tảng kỹ thuật số quốc gia; mỗi quốc gia có thể kết nối với các thành phần của nền tảng chung khi cần thiết.

Tại Diễn đàn các bên cũng khẳng định tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế với Trung Quốc, triển khai thỏa thuận thương mại tự do với Iran, Việt Nam, Serbia. Hiện đang tiến hành đàm phán về thỏa thuận thương mại tạm thời với Mông Cổ.

Tâm Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lien-minh-kinh-te-a-au-huong-toi-tang-cuong-chu-quyen-so-20241002062730111.htm