Liên Minh tăng giá trị chè thương phẩm
So với chừng 3 năm trước đây, giá chè khô bán buôn của người dân xã Liên Minh (Võ Nhai) đã tăng khoảng 40-50%. Kết quả này đến từ hướng đi đúng đắn của chính quyền và người làm chè trên địa bàn.
Có đến ngót 100 năm nay, cây chè bén rễ trên đất Liên Minh, đây cũng là địa phương có diện tích và số hộ trồng chè lớn nhất huyện vùng cao Võ Nhai. Tuy có truyền thống trồng chè lâu đời, diện tích canh tác lớn, thổ nhưỡng phù hợp nhưng giá chè bán ra của nông dân lại rất thấp, chỉ bằng 50% so với những vùng chè đặc sản khác trong tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Chính quyền địa phương hết sức trăn trở tìm hướng đi phù hợp để tăng giá trị cho chè thương phẩm trên địa bàn. Trước tiên, chúng tôi từng bước xây dựng thành các làng nghề truyền thống với các hoạt động gắn kết trong trồng, chế biến chè. Cùng với đó, chúng tôi khuyến khích, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã (HTX) để tạo thuận lợi cho việc quản lý, phát triển và tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi cũng định hướng HTX phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, xã còn tăng cường kết nối với các ngành chuyên môn của huyện, cơ quan chuyên môn của tỉnh và các hội đoàn thể để tổ chức cho nông dân tham gia các lớp dạy nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ trồng và chế biến chè.
Qua đó, Liên Minh đã xây dựng thành công 3 làng nghề trồng và chế biến chè truyền thống được công nhận tại các xóm: Nhâu, Vang, Thâm, đồng thời vận động thành lập được HTX chè Đại Tiến và HTX Nông sản an toàn Liên Minh. Với hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học, thông qua các làng nghề, HTX, UBND xã đã tổ chức được gần 10 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân trồng chè; giới thiệu hàng trăm lượt nông dân tham gia các khóa học nghề do các ngành, tổ chức hội tổ chức…
HTX Nông sản an toàn Liên Minh đi vào hoạt động từ năm 2018 với vỏn vẹn chưa đến 10 thành viên. Khi đó, giá chè khô bán được cao nhất cũng chỉ 130 nghìn đồng/kg do lái buôn “chê” chè không đẹp nước, hương không thơm. Nguyên nhân được xác định do bà con lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và không tuân thủ quy trình sản xuất. HTX đã chủ động tìm các khóa đào tạo, lớp tập huấn, lớp chuyển giao khoa học công nghệ do UBND xã, các ngành, hội tổ chức để đưa bà con đi học tập. HTX cũng tăng cường vận động bà con chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Qua đó, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX không chỉ nâng số thành viên lên 50 hộ với tổng diện tích chè canh tác trên 31ha mà còn nâng giá trị sản phẩm của mình lên tới gần 50%. Thay vì giá bán từ 80-130 nghìn đồng/kg như trước đây, chè của HTX đã bán được từ 150-180 nghìn đồng/kg.
Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX Nông sản sạch Liên Minh cho biết: Khó khăn nhất là thay đổi nhận thức của người nông dân để nâng cao chất lượng sản phẩm tuy nhiên chúng tôi cố gắng kiên trì vận động đồng thời xây dựng mô hình điểm để bà con học tập làm theo.
Nhờ các giải pháp đúng đắn, không chỉ các thành viên hai HTX trên địa bàn thay đổi nhận thức, chuyển hướng sang sản xuất chè an toàn, đông đảo bà con nông dân các làng nghề, nông dân trồng chè trên địa bàn xã Liên Minh cũng chuyển đổi dần sang hướng sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị chè thành phẩm. Qua đó, giá bán chè thành phẩm của bà con nông dân Liên Minh đã tăng từ 40-50% so với năm 2018, đạt giá trị từ 130-180 nghìn đồng mỗi kg. Chị Nguyễn Thị Hiên, nông dân xóm Vang chia sẻ: Khi qua các lớp dạy nghề, tập huấn, chúng tôi mới vỡ ra nhiều công đoạn mình làm sai và kê chỉnh lại. Ví như, thay vì để chè nóng thực hiện quá trình diệt men (ốp chè) thì chúng tôi dùng quạt làm nguội chè trước khi diệt men nên đã sản xuất được thành phẩm chè nước xanh, hương thơm hơn hẳn.
Toàn xã Liên Minh hiện có 386 ha trồng chè các loại trong đó có trên 180 ha chè lai. Theo đánh giá của UBND xã, có tới 90% trong tổng số 1,1 nghìn hộ dân trên địa bàn tham gia trồng chè. Vì vậy, thành công trong nâng cao nhận thức người dân về trồng và chế biến chè an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm chè thương phẩm đã góp phần tích cực thay đổi bộ mặt địa phương, thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng tiêu chí giảm nghèo, tính từ năm 2016 đến nay, xã Liên Minh đã giảm tỷ lệ từ 52,67% xuống còn 15,74% (năm 2021). Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Chúng tôi đánh giá cao hiệu quả sản xuất chè trên địa bàn và xem cây chè là cây mũi nhọn để từ đó quan tâm mở rộng diện tích trồng chè trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ, hướng tới xây dựng thương hiệu riêng cho chè Liên Minh, phục vụ nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.