Liên ngành tỉnh Bình Phước sơ kết công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Vừa qua, VKSND tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị Liên ngành sơ kết thực tiễn thi hành các Thông tư liên tịch trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá lại thực tiễn 3 năm thi hành Thông tư liên tịch số 01/2020 ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 và tổng hợp rút kinh nghiệm kết quả 2 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 quy định phối hợp trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đồng chí Đoàn Văn Bắc - Viện trưởng VKSND tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tỉnh: Phan Văn Phong, Vũ Văn Chương; đại diện lãnh đạo các cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, Cục THADS tỉnh Bình Phước. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Viện kiểm sát, Công an, Tòa án nhân dân 11 huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đoàn Văn Bắc đánh giá chung về kết quả 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017, kết quả 2 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 ngày 29/11/2021 quy định phối hợp trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đánh giá thực tiễn 3 năm thi hành Thông tư liên tịch số 01/2020 ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và những thiếu sót, tồn tại trong quá trình thực hiện phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên ngành, công tác phối hợp giữa Liên ngành với Cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời đề nghị các cơ quan liên ngành, các cá nhân tham dự hội nghị phát huy tinh thần, trách nhiệm cùng tham gia thảo luận, góp ý, đề ra các phương án, giải pháp hữu ích để công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành ngày càng chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện cho các cơ quan cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo được trình chiếu bằng 2 video clip nêu bật được những thành tích cũng như những hạn chế, thiếu sót và khó khăn, vướng mắc của các cơ quan Liên ngành tỉnh Bình Phước trong phối hợp thực hiện các Thông tư liên tịch; đồng thời lắng nghe các đồng chí đại diện lãnh đạo Liên ngành, lãnh đạo các Phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện phân tích sâu thêm những nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót và đề ra nhiều giải pháp, đề xuất và kiến nghị, nhằm tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tạo cơ sở để Liên ngành tỉnh nhà thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, góp phần chống oan sai, bỏ lọt tội phạm và thực hiện tốt công tác cải cách tư pháp.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, đồng chí Phan Văn Phong, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước ghi nhận các ý kiến đề xuất, kiến nghị của đại diện các ngành tại hội nghị để VKSND tỉnh Bình Phước báo cáo VKSND tối cao sớm có hướng dẫn chỉ đạo thống nhất trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Viện trưởng Phan Văn Phong cũng mong muốn các đơn vị Liên ngành hai cấp tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp và các văn bản có liên quan để tăng cường công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và quản lý, giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; từ đó tạo cơ sở để các ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo hiệu quả các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và thi hành án, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.