Liên quân do Nga đứng đầu có thể đến miền đông Ukraina
Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cho biết liên minh quân sự này có thể đưa lực lượng tới miền đông Ukraina nếu được quốc tế đồng thuận.
"Chúng tôi có thể triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Donbass nếu Ukraina bày tỏ thiện chí - vì đó là lãnh thổ của họ, cũng như nếu được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủy quyền và được toàn bộ chính phủ các nước thành viên nhất trí", tướng Stanislav Zas, Tổng thư ký CSTO, cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters hôm 19/2.
Dù vậy, tướng Zas nhận định cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina hiện nay là thông qua đàm phán. "Tôi không nghĩ tình hình hiện tại sẽ trở lại như trước đây, khi xe tăng vẫn nằm trong nhà chứa và binh lính vẫn ở yên trong doanh trại. Các bên cần hiểu rằng phải ngồi xuống bàn đàm phán và thống nhất về điều gì đó. Đây là thực tế mới", ông cho biết.
Cũng theo người đứng đầu CSTO, liên minh này hiện có một lực lượng khoảng 17.000 quân luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, cùng một lực lượng gìn giữ hòa bình chuyên biệt với gần 4.000 quân. Ông còn khẳng định tổ chức của mình có đủ khả năng triển khai quân với quy mô lớn.
"Hãy tin tôi, chúng tôi có thể điều động số lượng quân theo ý muốn, dù là 3.000 hay 17.000 binh sĩ. Nếu cần nhiều hơn thì sẽ có nhiều hơn. Cần bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu", Tướng Stanislav Zas tuyên bố. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng một động thái như vậy sẽ cần được "bật đèn xanh" từ nhiều phía, bao gồm cả Ukraina, quốc gia không phải là thành viên của CSTO.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện trước thời điểm 2 tỉnh ly khai miền đông Ukraina là Donetsk và Lugansk bắt đầu tiến hành di tản hàng loạt người dân tới Nga, trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng vũ trang của hai tỉnh với quân chính phủ Kiev đang nóng lên.
Một nguồn tin cho biết các trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây đang bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015. Reuters, dẫn nguồn thạo tin từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), tiết lộ gần 2.000 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn đã được ghi nhận ở miền đông Ukraina. Các bên tham chiến đều cáo buộc phía còn lại là bên gây ra căng thẳng.
CSTO hiện gồm 6 nước thành viên là Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan, trong đó Nga giữ vai trò dẫn đầu. Đây là liên minh quân sự được lập ra dựa trên cơ sở của Hiệp ước An ninh Tập thể được ký kết vào năm 1992 bởi các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), sau khi Liên Xô tan rã.
Hồi tháng 1 năm nay, CSTO từng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan để giúp ổn định tình hình an ninh ở nước này trước các cuộc bạo loạn, và rút quân trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.