Liên quan sai phạm tại IPC, SADECO ở TPHCM: Cần xác định những chuyến 'ăn chơi' núp bóng công việc

Tòa án nhân dân TPHCM vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 19 đồng phạm

Ông Tề Trí Dũng (trái) và ông Tất Thành Cang liên quan vụ án

Ông Tề Trí Dũng (trái) và ông Tất Thành Cang liên quan vụ án

Tòa án nhân dân TPHCM vừa trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với vụ án Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) và 19 đồng phạm liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO, công ty con của IPC).

Gây thiệt hại hơn 660 tỷ đồng

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM truy tố tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đối với ông Tất Thành Cang và 19 đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước 669 tỷ đồng.

Theo cáo trạng của Viện KSND TPHCM, bị can Tề Trí Dũng với vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho SADECO 1.103 tỷ đồng.

Cụ thể, trong việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, các cá nhân có chức vụ tại SADECO, IPC và người đại diện vốn, căn cứ đề nghị của Công ty Nguyễn Kim về việc mua cổ phần của SADECO để trở thành cổ đông chiến lược, đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim mà không thông qua đấu giá, đấu thầu là trái với quy định.

Cáo trạng xác định thiệt hại của việc SADECO trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản Nhà nước là hơn 669 tỷ đồng, gồm vốn của UBND TPHCM là hơn 485 tỷ đồng, tương đương 44%, vốn của Thành ủy TPHCM là hơn 184 tỷ đồng, tương đương 16,7%.

Ngoài ra, bị can Tề Trí Dũng là người chủ trương thực hiện chuyến đi trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty Du lịch Bến Thành về chương trình, lịch trình, giá tour và các nội dung của 2 hợp đồng tổ chức tour du lịch nước ngoài và giao cho Hồ Thị Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) tổ chức thực hiện.

Đồng thời, với vai trò Chủ tịch HĐQT SADECO, bị can là người ký các nghị/quyết định về việc thông qua quỹ tiền lương năm 2017 và việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, bảo đảm không quá 1 tháng lương thực tế theo quy định điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính, gây thất thoát tài sản Nhà nước là trên 2 tỷ đồng.

Đối với tội “tham ô tài sản”, các bị can bị truy tố về hành vi sai phạm trong việc sử dụng số tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018. Tổng số tiền các bị can là HĐQT và ban kiểm soát không chuyên trách chiếm hưởng, tham ô là hơn 4,7 tỷ đồng.

12 bị can bị truy tố về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: Tất Thành Cang, Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TPHCM), Nguyễn Hữu Thành (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Nguyễn Kim), Lê Hoàng Minh (nguyên Chủ tịch HĐTV IPC từ tháng 2/2017), Vũ Xuân Đức (thành viên HĐTV IPC), Nguyễn Trường Bảo Khánh (thành viên HĐTV IPC), Trần Mạnh Khôi (người đại diện vốn của IPC tại SADECO), Đoàn Minh Lý (đại diện vốn của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận tại SADECO), Lâm Văn Tuấn (thành viên Ban Kiểm soát SADECO), Phùng Đức Trí (nguyên Phó Tổng Giám đốc IPC), Đoàn Thị Minh Trang (Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch IPC), Lương Trí Cường (chuyên viên Phòng Tài chính - Kế hoạch IPC).

7 bị can bị truy tố về 2 tội “tham ô tài sản”, “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, gồm: Tề Trí Dũng (Tổng Giám đốc, thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO), Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO), Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy TPHCM), Trần Công Thiện (đại diện vốn Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận), Phạm Xuân Trung (Phó Tổng Giám đốc IPC, đại diện vốn IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc SADECO).

Bị can Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát SADECO) bị truy tố về tội “tham ô tài sản”.

Liên quan tới vụ án, ông Phạm Nhật Vinh (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Kim) có hành vi cùng các thành viên HĐQT SAEDECO biểu quyết thống nhất chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược.

Cơ quan điều tra đã khởi tố Phạm Nhật Vinh. Tuy nhiên, đối tượng này đã xuất cảnh đi nước ngoài. Do đó, cơ quan điều tra truy nã toàn quốc và đề nghị Cục Đối ngoại - Bộ Công an thực hiện các thủ tục truy nã quốc tế.

Đi du lịch châu Âu biến thành tham quan, học tập

Trụ sở IPC tại Q.7, TPHCM, liên quan vụ án.

Trụ sở IPC tại Q.7, TPHCM, liên quan vụ án.

Theo diễn tiến vụ án, ngày 28/4/2017, bị can Tề Trí Dũng ký nghị quyết về việc thông qua quỹ tiền lương năm 2017 của công ty là 24 tỷ đồng. Sau đó, bi can Dũng tiếp tục ký nghị quyết thông qua việc hạch toán 100% chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên vào chi phí hoạt động, đảm bảo không quá một tháng lương thực tế theo quy định.

Năm 2017, số tiền chi thực tế của SADECO là 21,76 tỷ đồng (thấp hơn dự toán) nên lương bình quân một tháng là 1,81 tỷ đồng, do đó chi phí đi nghỉ mát sẽ không được vượt quá số tiền này.

Tính đến ngày 25/10/2017, tổng chi phí tham quan, nghỉ mát của SADECO đã chi cho cán bộ nhân viên hết 949 triệu đồng, nguồn kinh phí nghỉ mát chỉ còn lại 861 triệu đồng, các khoản chi nghỉ mát tiếp theo không được cao hơn khoản tiền này.

Tuy nhiên, bị can Hồ Thị Thanh Phúc đã chỉ đạo lập và duyệt hồ sơ, thủ tục cho 2 đoàn công tác nước ngoài với lý do tham quan, khảo sát mô hình phát triển các khu công nghiệp, cảng và bất động sản dân dụng tại một số quốc gia phát triển ở châu Âu, trong khi SADECO không có dự án khu công nghiệp hay dự án cảng nào, với chi phí 4,6 tỷ đồng.

Kết luận điều tra bổ sung xác định, chi phí đi du lịch của mỗi thành viên từ 180 triệu đồng đến 246 triệu đồng trong 2 chuyến đi 33 ngày, có một cá nhân tự túc, còn lại thành viên chuyến đi gồm lãnh đạo, thành viên HĐQT và ban kiểm soát SADECO.

Bị can Đỗ Công Hiệp (nguyên Kế toán trưởng SADECO) đã ký trình Ban Tổng giám đốc duyệt tại các tờ trình thông qua chủ trương tham quan, học tập tại châu Âu, ký duyệt hạch toán chi phí hai chuyến đi nghỉ mát với nội dung chi phí nghỉ mát đợt 2 năm 2017 và duyệt thanh toán với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng.

Sau đó, bị can Tề Trí Dũng đã trực tiếp trao đổi, yêu cầu với một công ty du lịch để điều chỉnh nội dung các chuyến đi thành khảo sát, học tập để phù hợp với nội dung tờ trình của SADECO.

Sau khi hoàn tất việc thanh toán chi phí chuyến đi cho công ty du lịch thì SADECO đã hạch toán chi phí 2 chuyến đi du lịch thành chi phí nghỉ mát của cán bộ nhân viên khi báo cáo kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017, báo cáo thuế năm 2017 và quyết toán thuế.

Tháng 4/2018, Thanh tra TPHCM tiến hành thanh tra IPC, SADECO đã yêu cầu 4 cá nhân không phải cán bộ, lãnh đạo SADECO mỗi người nộp lại số tiền 246 triệu đồng.

Qua làm việc với cơ quan điều tra, các cá nhân tham gia chuyến đi đều khai nhận chương trình của đoàn đơn thuần là tham quan, du lịch nghỉ mát, không gặp gỡ, tiếp xúc bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài, không khảo sát dự án, cảng biển, công trình và không liên quan đến công việc của công ty.

Đồng thời, bị can Hồ Thị Thanh Phúc còn khai nhận, bị can Tề Trí Dũng là người chủ trương chuyến đi, danh sách những người tham gia chuyến đi là do Dũng chỉ định.

Cơ quan điều tra xác định, việc chi tiền cho 2 chuyến đi nêu trên là trái với quy định pháp luật, không đáp ứng điều kiện về chi phí được hạch toán, khấu trừ theo quy định, vi phạm quy định về quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Số tiền chi không đúng quy định, gây thất thoát, thiệt hại cho SADECO là gần 3,6 tỷ đồng, trong đó thất thoát, thiệt hại cho vốn Nhà nước là gần 2,2 tỷ đồng.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phap-luat/lien-quan-sai-pham-tai-ipc-sadeco-o-tphcm-can-xac-dinh-nhung-chuyen-an-choi-nup-bong-cong-viec-j9XjP457g.html