Liên thông đơn thuốc điện tử: Vì sao chậm triển khai?

Liên thông đơn thuốc điện tử vào hệ thống đơn thuốc Quốc gia tạo sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý bán thuốc kê đơn, tránh việc sử dụng thuốc tùy tiện, dẫn tới nhờn, kháng thuốc. Tuy nhiên, việc triển khai của các đơn vị đang chậm chễ, thậm chí quá hạn đã lâu nhưng không có đơn vị nào nhắc nhở, xử phạt.

Tính minh bạch, liên thông của đơn thuốc điện tử Quốc gia là rất rõ ràng - Ảnh: VGP/HM

Tính minh bạch, liên thông của đơn thuốc điện tử Quốc gia là rất rõ ràng - Ảnh: VGP/HM

Theo quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT và Thông tư 04/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, ngày 31/12/2022 là hạn cuối các bệnh viện từ hạng 3 trở lên liên thông đơn thuốc điện tử vào hệ thống đơn thuốc Quốc gia; ngày 30/6/2023 là hạn cuối cho các cơ sở khám, chữa bệnh khác liên thông vào hệ thống đơn thuốc Quốc gia và bán thuốc theo đơn.

Ngày 30/6/2023 cũng là hạn cuối để các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện bán thuốc theo đơn kết nối liên thông với hệ thống đơn thuốc Quốc gia.

Tốc độ triển khai chậm

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mặc dù đã có hành lang pháp lý nhưng việc triển khai liên thông đơn thuốc Quốc gia vẫn chưa thực hiện đúng theo yêu cầu.

Cụ thể, với khối cơ sở bán lẻ thuốc tại 46 tỉnh, thành đã báo cáo, có hơn 70.000 cơ sở đã được cấp tài khoản kết nối cung ứng thuốc, đạt 97% nhưng chỉ có 51.000 cơ sở (đạt 72,7%) cập nhật thông tin vào hệ thống.

Đặc biệt, với khối cơ sở khám chữa bệnh, sau 2 năm triển khai, đến nay, mới chỉ có 136,9 triệu đơn thuốc được liên thông trên tổng dự kiến 400-600 triệu đơn/năm. Số cơ sở khám chữa bệnh được cấp mã chỉ hơn 19.800 cơ sở trên tổng gần 55.000 cơ sở và hơn 103.200 bác sĩ được cấp mã trên tổng khoảng gần 200.000 người kê đơn thuốc.

Trong số hơn 19.800 cơ sở khám chữa bệnh được cấp mã thì cũng chỉ có hơn 8.000 cơ sở thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc. Số đơn thuốc đã bán được báo cáo mới là 1,55 triệu trên tổng số đơn đã gửi liên thông điện tử là 13,290 triệu.

Liên thông đơn thuốc Quốc gia thực hiện không khó - Ảnh: VGP/HM

Liên thông đơn thuốc Quốc gia thực hiện không khó - Ảnh: VGP/HM

Cũng trong số hơn 19.000 cơ sở khám chữa bệnh đã được cấp mã liên thông, mới chỉ có 986 bệnh viện đang thực hiện liên thông đơn thuốc Quốc gia (tổng số 1.447 bệnh viện đang hoạt động) và chỉ đạt 68%. Hiện, vẫn còn 461 bệnh viện chưa triển khai liên thông đơn thuốc Quốc gia, chiếm 32%.

Đối với nhóm các trạm y tế, thực trạng này còn thấp hơn. Trong tổng số hơn 11.000 trạm y tế trên toàn quốc, hiện chỉ có 5.029 trạm y tế thực hiện liên thông đơn thuốc đúng quy định, đạt 46%. Số trạm y tế chưa khai báo để cấp mã liên thông là 5.978 trạm, chiếm 54%.

Ở mảng y tế tư nhân, toàn quốc có khoảng 47.546 cơ sở đăng ký hoạt động nhưng hiện chỉ có 2.458 cơ sở đang thực hiện liên thông đơn thuốc Quốc gia, đạt 5%. Số cơ sở y tế tư nhân chưa khai báo để cấp mã liên thông theo quy định của Bộ Y tế là 45.088 cơ sở, chiếm 95%.

Đặc biệt, trong số 39 bệnh viện tuyến Trung ương, nhiều bệnh viện vẫn chưa liên thông đơn thuốc Quốc gia.

Những con số này cho thấy tốc độ triển khai liên thông đơn thuốc Quốc gia của các cơ sở y tế, bao gồm cả công lập và tư nhân đều đang rất chậm.

Liên thông đơn thuốc Quốc gia không khó

Theo báo cáo đánh giá tác động xã hội Bộ Y tế cũng như báo cáo của các Sở y tế và Hội Tin học y tế Việt Nam, việc liên thông đơn thuốc điện tử Quốc gia không khó vì việc kê đơn thuốc điện tử đã được triển khai rộng rãi tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt các cơ sở công lập đã kê đơn thuốc điện tử 100%. Các đơn vị chỉ cần 1 thao tác gửi bản đơn thuốc đó về hệ thống Quốc gia.

Nhất là hiện nay, nhiều nhà cung cấp phần mềm cũng đã giúp cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc kê đơn thuốc đơn giản bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng, chứ không nhất thiết phải sử dụng máy tính cũng như không cần quan tâm tới cấu hình thiết bị sử dụng.

Mặt khác, việc liên thông, lưu giữ, chia sẻ đơn thuốc của các cơ sở y tế lên hệ thống đơn thuốc Quốc gia là hoàn toàn miễn phí.

Một trong những nguyên nhân của việc chậm triển khai liên thông đơn thuốc điện tử lên hệ thống đơn thuốc Quốc gia được chỉ ra, là do lãnh đạo nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa quan tâm, chỉ đạo sát sao và chưa thấy sự cần thiết của việc này.

Trong khi đó, nhiều Sở y tế chưa thành lập đoàn thanh kiểm tra giám sát và tiến tới xử phạt theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP và Nghị định 124/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, với lý do việc kết nối tại các cơ sở ban đầu còn lúng túng, vướng mắc nên các Sở Y tế chủ yếu hướng dẫn, nhắc nhở.

Một nguyên nhân nữa được chỉ ra, là do cơ quan quản lý chưa hoàn thiện việc ban hành quy chế vận hành chính thức cho hệ thống đơn thuốc Quốc gia.

Được biết, một số Sở Y tế như Sơn La, Hải Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang… có tỷ lệ cơ sở khám chữa bệnh tư nhân liên thông đơn thuốc điện tử Quốc giá rất thấp, thậm chí có đơn vị tỷ lệ liên thông gần như bằng không.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đơn vị đang hoàn thiện quy chế kê đơn thuốc điện tử và sẽ ban hành trong thời gian tới để các đơn vị triển khai thực hiện. Liên quan việc xử phạt các đơn vị triển khai chậm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện theo Nghị định của Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Y tế, các Sở Y tế và Hội Tin học y tế cần tiếp tục hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn các phòng y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc… thực hiện đúng quy định.

HM

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/lien-thong-don-thuoc-dien-tu-vi-sao-cham-trien-khai-102240805160632453.htm