Liên thông trong đào tạo: Khơi thông bế tắc
Dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống GD quốc dân được kỳ vọng mở ra 'con đường' học tập thông thoáng hơn...
Những quy định rõ ràng, chi tiết trong dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân được kỳ vọng mở ra “con đường” học tập thông thoáng hơn. Mặt khác, những điểm ách tắc tồn tại thời gian qua sẽ sớm được giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi để người học tiếp cận các cơ hội phát triển tri thức và kỹ năng dễ dàng hơn.
“Thông thoáng” trong đào tạo
Điểm nổi bật của dự thảo Nghị định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, theo đánh giá của cả người học lẫn các cơ sở giáo dục, đó là tạo “con đường thông thoáng” để người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng đều có cơ hội tham gia liên thông lên đại học dù có bằng tốt nghiệp THPT hay không.
Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh một trường cao đẳng tại TPHCM cho hay, mỗi khi tư vấn cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp tại trường, ông vẫn định hướng chọn con đường học trung cấp xong liên thông lên đại học bằng hình thức vừa làm vừa học hoặc học đại học từ xa. Lý do bởi, liên thông lên đại học chính quy cho đối tượng này vẫn chưa rõ ràng, nhiều trường yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp THPT mới đủ tiêu chuẩn.
Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động (Sở LĐ,TB&XH TPHCM) trên 165.333 lao động, có tới 99,13% người tìm việc đã qua đào tạo. Trong đó, hơn 70% có trình độ đại học trở lên; 13,46% có trình độ cao đẳng; 11,94% trung cấp và 3,67% sơ cấp. Về nhu cầu tuyển dụng, khảo sát 64.126 doanh nghiệp với 318.731 vị trí việc làm cho thấy 86,57% vị trí yêu cầu lao động đã qua đào tạo. Trong đó, 20,56% cần trình độ đại học trở lên; 17,88% cao đẳng; 18,79% trung cấp; 29,34% sơ cấp và 13,43% dành cho lao động phổ thông.
“Lâu nay, nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn khi đăng ký học nghề vì lo sợ bị ‘tắc’ con đường liên thông lên đại học do có trường chấp nhận, trường không. Vì vậy, nếu Nghị định này được ban hành sẽ giúp việc liên thông được ‘thông’, tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp có thể tốt hơn, việc phân luồng sau THCS cũng hiệu quả hơn”, vị này cho biết.
Thông tin từ TS Hoàng Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, liên thông đại học chính quy với học sinh tốt nghiệp trung cấp của trường gặp nhiều khó khăn, đồng thời đưa ra lưu ý:
“Nhiều trường không tuyển sinh liên thông cho trường hợp không có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, các em tốt nghiệp THCS đi học trung cấp nếu chỉ học khối lượng kiến thức văn hóa do Bộ GD&ĐT quy định gồm 4 môn, thì không thể đăng ký thi tốt nghiệp THPT. Muốn có bằng tốt nghiệp THPT, các em phải học 7 môn chương trình giáo dục thường xuyên”.
Tuy nhiên, theo TS Phúc, việc trường liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để cho các em học văn hóa gặp nhiều khó khăn. “Các em vừa phải đến trung tâm học văn hóa, vừa đến trường học nghề, đi lại rất bất tiện. Đồng thời, các em vốn không hứng thú học các môn văn hóa, nay phải học tới 7 môn dẫn đến chán nản, bỏ học”, ông Phúc nói.
Vì vậy, nếu Nghị định được thông qua, các em chỉ cần học 4 môn văn hóa và thi đạt yêu cầu chứ không cần học 7 môn chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. “Tất nhiên, các trường cao đẳng, trung cấp thời gian tới sẽ hướng tới việc đào tạo chất lượng hơn, cả các môn văn hóa lẫn chương trình nghề. Đặc biệt, các trường sẽ tập trung đào tạo tốt 4 môn văn hóa sao cho người học có đủ tự tin dự thi để đạt điểm cao. Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay khi vào học cũng phải kỹ lưỡng hơn”, TS Phúc nhìn nhận.
Dễ dàng đăng ký
TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, cho biết, trước đây nhiều trường đại học có thể từ chối tiếp nhận đối tượng liên thông là người có bằng trung cấp, cao đẳng nhưng chưa có bằng THPT. Tuy nhiên, nếu Nghị định trên chính thức được ban hành, tất cả trường đại học sẽ phải tiếp nhận người học vì mọi quy định đã cụ thể, rõ ràng.
“Thí sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT mà đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định muốn liên thông lên đại học sẽ đăng ký dự thi các môn nằm trong tổ hợp của ngành tại trường mà các em muốn liên thông. Chẳng hạn ngành Công nghệ thông tin các trường ĐH có xét tuyển khối A, thí sinh chỉ cần dự thi 3 môn Toán, Lý, Hóa để lấy điểm xét tuyển.
Điều này có thể khó đối với người học, tuy nhiên, từ cái khó đó, các trường trung cấp, CĐ phải chú trọng đào tạo môn văn hóa chất lượng hơn, đảm bảo các em có đủ kiến thức để tham gia và đạt kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT”, TS Nhân nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, dự thảo Nghị định có lợi cho người học rất nhiều, trong đó đã quy định rõ phần trăm cần chuyển đổi khi học các trình độ khác nhau. Ví dụ như, nếu người học đúng ngành thì phải chuyển đổi bao nhiêu, học khác ngành thì chuyển đổi bao nhiêu; cho phép ghi rõ quy định về hoàn thành chương trình THPT khi liên thông… “Nhìn chung Nghị định có tính mở giúp các trường dễ thực hiện”, ông Nhân nhìn nhận.
Phó Hiệu trưởng một trường đại học tại TPHCM nhận định, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân là cần thiết, nhằm hệ thống hóa, đưa ra khái niệm chính xác, thống nhất cách hiểu, có các quy định để hoạt động liên thông được tổ chức thực hiện chặt chẽ hơn và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay là việc chuyển đổi tín chỉ. Bởi, có thể cùng là 1 ngành đào tạo nhưng ở các trường khác nhau thì chất lượng đào tạo có thể khác nhau, thậm chí chương trình đào tạo khác nhau, khó quy định khung chuyển đổi chung. “Vì vậy, nên chăng quy định tối đa tín chỉ được chuyển đổi, việc chuyển đổi cụ thể như thế nào sẽ do các trường đào tạo liên thông tự quyết định”, vị này kiến nghị.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, tạo cơ chế “thông thoáng” cho người học liên thông là cần thiết trong một xã hội khuyến khích học tập suốt đời và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cũng cần xác định những lĩnh vực, ngành, bậc học không được liên thông để vừa tạo cơ hội học tập cho mọi người, vừa bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đề xuất đáng lưu tâm
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM nhận định, so sánh quy chế liên thông cũ (năm 2012), dự thảo quy chế liên thông mới có nhiều điểm tích cực. Theo đó, dự thảo quy chế đã mở cửa cho liên thông các cấp học, từ THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng lên tới đại học; bỏ hẳn kỳ thi liên thông và thay thế bằng xét tuyển, hay đánh giá năng lực - phù hợp với nhu cầu hiện tại của nhiều cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, dự thảo quy chế liên thông mới có những ưu điểm như tạo thêm hình thức đào tạo trực tuyến hay kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến; thời gian đào tạo linh hoạt, tùy theo tín chỉ tích lũy và chương trình đào tạo cũng linh hoạt hơn.
“Tích hợp tín chỉ và áp dụng các hình thức đào tạo trực tuyến buộc các trường phải nâng cấp hệ thống quản lý đào tạo và chương trình giảng dạy; cho phép các trường đại học tự xây dựng tiêu chí xét tuyển và chương trình đào tạo, phù hợp với năng lực và điều kiện riêng. Bên cạnh đó, người học sẽ tiết kiệm thời gian và công sức. Tích hợp tín chỉ giúp thí sinh không phải học lại những môn đã học ở cấp thấp hơn, rút ngắn thời gian đào tạo”, ông Sơn trao đổi.
Dù vậy, chuyên gia này cũng kiến nghị, sẽ có điểm bất lợi cho các trường đại học nếu không có quy định cụ thể từ Bộ GD&ĐT, mỗi trường có thể áp dụng tiêu chí xét tuyển khác nhau, gây khó khăn trong kiểm định chất lượng. Đặc biệt, một số trường có thể giảm chuẩn xét tuyển để thu hút thí sinh, dẫn đến sự chênh lệch về chất lượng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) nhận định, liên thông trong đào tạo đóng vai trò thiết yếu, mở ra cơ hội cho người học ở mọi lứa tuổi tiếp cận con đường học tập nâng cao trình độ và chuyển đổi ngành nghề phù hợp năng lực, điều kiện cá nhân.
“Đây không chỉ là giải pháp đáp ứng nhu cầu thay đổi công việc và phát triển nghề nghiệp mà còn là động lực thúc đẩy các cơ sở giáo dục đổi mới, hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo. Qua đó, liên thông góp phần quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn”, ông Quỳnh nói.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm lưu trữ và công nhận kết quả học tập liên thông. Đây sẽ là công cụ đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục, tạo nền tảng cho một hệ thống giáo dục linh hoạt, chất lượng và minh bạch.
Từ thực tế đơn vị, TS Trần Mạnh Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Bách Việt cho hay, hiện chương trình bậc cao đẳng theo Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ,TB&XH với yêu cầu liên thông của Bộ GD&ĐT còn một số điểm lệch nhau.
Ví dụ, Thông tư 01/2024 yêu cầu chương trình đào tạo lý thuyết ra lý thuyết, thực hành ra thực hành và tập trung tối đa cho hướng dẫn, thực hành. Do đó, mục tiêu đối với giáo dục nghề nghiệp có thể đạt được nhưng mục tiêu để học liên thông sẽ khó đạt, không đảm bảo được vì hàm lượng kiến thức văn hóa và tính kế thừa sẽ không còn nữa.
Cũng theo TS Trần Mạnh Thành, nếu đúng về nguyên tắc gọi là thiết kế một chương trình thì phải có tính liên thông giữa các bậc, từ THPT lên trung cấp, cao đẳng và đại học. Để làm được điều này cần có vai trò của Nhà nước.
Nhưng ở Thông tư 01/2024/TT-BLĐTBXH có thể thấy yêu cầu về xây dựng chương trình đã thay đổi luôn thành phần giảng viên dạy cao đẳng, phân biệt lý thuyết riêng, thực hành riêng. “Do đó, tôi cho rằng, liên thông giữa các bậc đào tạo, trình độ đào tạo với nhau cần xem xét lại cho đảm bảo tính hệ thống và điều này cần có cơ quan Nhà nước quản lý thống nhất”, TS Thành kiến nghị.
Quy định về tuyển sinh riêng cần minh bạch và giảm bớt rào cản cho các cơ sở giáo dục chưa đạt chuẩn chất lượng nhưng có năng lực triển khai tốt chương trình đào tạo liên thông. Cần bổ sung hướng dẫn cụ thể để đảm bảo công bằng cho các đối tượng từ vùng sâu, xa. Ngoài ra, cần sớm bổ sung quy định chi tiết về công nhận kết quả học tập từ các chương trình quốc tế để thúc đẩy hội nhập giáo dục và tận dụng nguồn lực tri thức toàn cầu. - PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-thong-trong-dao-tao-khoi-thong-be-tac-post715530.html