Liên tiếp bạo lực học đường: 'Không sợ xử phạt nặng sẽ hỏng mất một con người'

Trong bối cảnh học sinh phải ở nhà học trực tuyến quá lâu để phòng dịch COVID-19, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, do vậy khi học sinh quay trở lại học trực tiếp đã liên tục xuất hiện vấn đề bạo lực học đường.

Hiện tượng này không mới nhưng thời gian gần đây đang có chiều hướng gia tăng với mức độ phức tạp, trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Các vụ việc không đơn thuần chỉ là những hành vi đánh nhau dẫn đến thương tích cho cơ thể mà các em còn quay video và đưa lên mạng xã hội để làm nhục người khác gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về tinh thần của nạn nhân.

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra khi học sinh đi học trực tiếp trở lại

Hầu hết những vụ việc học sinh đánh nhau xảy ra gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động của bạn bè.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện video ghi lại cảnh nữ học sinh lớp 8 Trường THCS - THPT Hà Thành (Hà Nội) bị đánh hội đồng trước cổng trường. Một nhóm người đã giật tóc, đánh thẳng vào đầu, vào mặt nạn nhân trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Em bị đánh ngay trong những ngày đầu tiên khi quay lại trường học trực tiếp. Một tuần nay, em nữ sinh này không thể đến trường, tinh thần hoảng loạn, thân thể tổn thương, mất ngủ, luôn có tâm lý sợ đám đông.

Chị Nguyễn Thị H., mẹ của em học sinh này cho biết: "Tôi nhìn video mà tôi cũng ám ánh. Tâm lý con tôi giờ ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Tôi cũng không thể nào ngủ được, không nghĩ con mình lại bị hành hạ đến vậy".

2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị đánh 1 học sinh lớp 7 khiến người xem clip rùng rợn. Ảnh cắt từ clip.

2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị đánh 1 học sinh lớp 7 khiến người xem clip rùng rợn. Ảnh cắt từ clip.

Trước đó, cũng vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua, một clip dài hơn 3 phút được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh 2 nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh 1 nữ sinh lớp 7. Theo clip, 2 nữ sinh đã lao vào đánh, giật tóc, bắt quỳ, xé áo kèm những lời hăm dọa, chửi bới; trong khi đó, nữ sinh bị đánh không đánh lại mà ôm người chịu trận. Lúc xảy ra sự việc có nhiều người xung quanh nhưng không ai đứng ra can ngăn. Một số nữ sinh dùng điện thoại để quay lại sự việc và cổ vũ hành vi trên.

Hầu hết những vụ việc này chủ yếu xuất hiện ngoài khuôn viên trường học - nơi thiếu sự giám sát của môi trường giáo dục. Nó đang khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng và gây bức xúc cho dư luận.

Nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm

Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, ở tuổi dậy thì (lứa tuổi THCS, THPT), chuyện xảy ra có nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này (muốn nổi trội, muốn được người khác quan tâm, càng nhiều người biết càng thích, không cần việc đó tốt hay dở; muốn khẳng định mình...).

Cuộc sống xã hội hiện tại rất sôi động, ngày càng hối hả lôi cuốn con người lao vào các sự kiện khác nhau. Người lớn thì còn suy nghĩ, hành động có cân nhắc, nhưng lớp tuổi trẻ thì không như thế. Nhiều học sinh trái ý mình là có thể nổi khùng, ẩu đả nhau luôn, mặc dù chỉ là chuyện rất nhỏ.

Về vai trò và trách nhiệm của phụ huynh trong việc giáo dục cách ứng xử của con cái, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết: Theo Điều 82 luật Giáo dục, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục con cái làm tốt nhiệm vụ của người học là: "Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục, chấp hành quy định của pháp luật".

Điều 83 của Luật chỉ rõ quyền của người học "Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh". Như thế, học sinh nào đánh bạn, chủ động gây mất an toàn cho người khác thì đó là vi phạm luật pháp và phải xử lý.

Với giáo viên, theo Điều 69 của Luật Giáo dục chỉ rõ, giáo viên phải "bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học". Bởi vậy, việc đánh bạn, kéo bè kéo cánh, gây thương tích cho bạn thì đó là người phạm pháp. Cả các bậc phụ huynh và giáo viên phải hiểu rõ và thực hiện nghiêm các điều khoản của Luật, đồng thời phải nhắc nhở con em mình có trách nhiệm thực hiện đúng luật.

Đối với những học sinh vi phạm, ông Phú cho rằng, nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp.

Trong điều kiện hiện nay, phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học. "Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời".

Với những em là nạn nhân của nạn bạo lực học đường thì việc nên làm là không được giấu giếm mà phải tìm đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô, phòng tư vấn tâm lý trường học để chia sẻ và cùng tìm giải pháp.

Bạo lực học đường không phải là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối kết hợp đồng bộ của gia đình - nhà trường - xã hội. "Nhà trường, gia đình và cả xã hội phải ra tay, lao vào ngăn chặn, thực hiện các biện pháp mạnh để điều chỉnh hành vi của lớp trẻ đi cho đúng hướng. Ta không trách trẻ, nhưng ta phải có trách nhiệm, phải quyết liệt làm trên cơ sở luật pháp đã có", GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú cho biết.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//lien-tiep-bao-luc-hoc-duong-khong-so-xu-phat-nang-se-hong-mat-mot-con-nguoi-169220401134611547.htm