Liên tiếp các trường hợp nhiễm độc thạch tín do thói quen sinh hoạt hằng ngày

Thạch tín (Asen) là một chất vô cùng độc hại, chúng ta có thể bị nhiễm chúng khi sử dụng nước, thực phẩm hoặc lây nhiễm qua không khí.

Ngày 1/3, Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.Đ.T (64 tuổi) nhập viện với chẩn đoán ung thư tế bào gai – vảy nến.

Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc asen mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm.

Trước đó, bệnh nhân T. có thói quen sử dụng nước giếng khoan thường xuyên trong sinh hoạt và có dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Bệnh nhân mô tả, loại thuốc bệnh nhân sử dụng nhiều năm là loại thuốc đông y dạng viên, đựng trong gói nilon, không có nhãn hiệu và được quảng cáo có tác dụng trị hoàn toàn dứt điểm bệnh vảy nến.

Theo BS. Nguyễn Thị Ngọc Anh – Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương, asen có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da thông qua sử dụng nguồn nước ngầm có nhiễm asen, một số loại dược phẩm và sản xuất công nghiệp. Trong tự nhiên, nồng độ asen trong nước ngầm, nước giếng khoan người dân hay dùng cao hơn nhiều so với nguồn nước đến từ sông hồ.

Asen là một hóa chất bán kim loại tự nhiên, có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Chất này là thành phần chính của lớp trầm tích nên có vai trò vô cùng quan trọng với vỏ trái đất.

Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy thạch tín trên bề mặt nước hay tầng nước ngầm... Thậm chí, thạch tín còn có thể tồn tại ở cả trong không khí, trong lòng đất và thực phẩm.

Chất này thường xuất hiện và tồn tại trong các giếng khoan nhân tạo. Do đó, những người sử dụng trực tiếp nguồn nước này để ăn uống và nấu nước sẽ có nguy cơ mắc các bệnh ngoài da, bệnh về đường tiêu hóa…

Ngoài ra, asen có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi... Vì vậy khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, người dân cần chú ý kỹ tới nguồn gốc và nơi sản xuất.

Nhiễm độc asen mạn tính có thể tích tụ ở răng, móng, tóc, da nhiều năm mà người dân không hề hay biết. Tiếp xúc lâu dài với asen có thể gây ung thư da và các tổn thương da.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng như nốt sần ở lòng bàn tay bàn chân, da thô ráp, thay đổi sắc tố da... kèm theo thói quen sử dụng nước giếng khoan, uống thuốc không rõ nguồn gốc nhiều năm, người dân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành ung thư da.

Biểu hiện thường gặp trên da của nhiễm độc asen mạn tính bao gồm: thay đổi sắc tố da, dày sừng từng điểm lòng bàn tay bàn chân, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tổn thương ung thư tế bào gai.

Các bác sĩ lưu ý, nếu mắc các bệnh lý mạn tính như: vảy nến, hen phế quản, pemphigus… người dân tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể trong thuốc đó có chứa trộn asen vào.

Thạch tín được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và y tế.

- Trong công nghiệp: Thạch tín được hợp kim với chì tạo thành kim loại bền và cứng, dùng để làm đạn, các loại pin, đồ thủy tinh, pháo hoa, làm chất pha tạp cho thiết bị trạng thái rắn như bóng bán dẫn…

- Trong nông nghiệp: Dùng để bảo quản gỗ, ngăn thối rữa bên trong gỗ, làm thuốc trừ sâu…

- Trong y tế: Sử dụng làm thuốc điều trị bệnh thiếu máu, đau mắt đỏ, bệnh vẩy nến, bạch cầu, hen suyễn…

Những tác hại của thạch tín với cơ thể con người:

Có rất nhiều nguy cơ có thể gặp phải khi bị ngộ độc thạch tín, nhiễm thạch tín lâu ngày. Thời gian và độ nguy hiểm còn tùy thuộc vào nồng độ và lượng nước nhiễm thạch tín mà người đó uống vào cơ thể.

Các triệu khi cơ thể mới nhiễm thạch tín:

Khi tiếp xúc với asen nồng độ cao trong nước, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng:

- Đau dạ dày

- Nôn mửa

- Tiêu chảy

- Suy yếu chức năng thần kinh

- Tê bỏng ở bàn tay và bàn chân

Đặc biệt, thạch tín cũng có thể gây ra những thay đổi trên da mà bạn có thể nhận thấy bằng mắt thường. Các dấu hiệu đó là da xuất hiện đốm đỏ, phát ban, đặc biệt là các đốm sậm màu, tăng trưởng như mụn cóc, các đốm xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay và bàn chân.

Có thể thấy, dù những căn bệnh này không xuất hiện tức thời nhưng những hậu quả mà chúng gây ra lại vô cùng nghiêm trọng.

Quỳnh Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lien-tiep-cac-truong-hop-nhiem-doc-thach-tin-do-thoi-quen-sinh-hoat-a652064.html