Liên tiếp cáo buộc nhằm vào cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan
Cảnh sát Pakistan tuần vừa rồi đã tống đạt lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Imran Khan (70 tuổi) để ông phải tuân theo lệnh triệu tập ra tòa trước cáo buộc lạm dụng chức vụ để bán quà mà các lãnh đạo nước ngoài từng tặng ông.
Cảnh sát thành phố Lahore (Pakistan) hôm 9-3 đã truy tố ông Imran Khan - lãnh đạo đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf và 400 người khác về tội giết người và khủng bố do cuộc đụng độ của thành viên đảng này với cảnh sát khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Đây là cáo buộc thứ 80 chống lại vị cựu Thủ tướng do chính phủ liên minh đưa ra trong 11 tháng cầm quyền tới nay.
Trước đó, tháng 10-2022 Ủy ban bầu cử Pakistan cáo buộc vị cựu lãnh đạo (vốn là cựu ngôi sao cricket) phạm tội bán trái phép quà tặng từ các quan chức nước ngoài. Ông Khan được cho là đã bán đồng hồ, bút vàng, nhẫn, khuy cài áo được các lãnh đạo nước ngoài tặng trong thời gian ông tại nhiệm, với tổng trị giá 2 triệu USD. Tuần trước, Tòa án Chống tham nhũng Pakisstan phát lệnh bắt cựu Thủ tướng sau nhiều lần ông không hầu tòa theo lệnh triệu tập. Hôm 5-3, Cảnh sát Pakistan tống đạt lệnh bắt ông Khan để đảm bảo ông trình diện trước tòa. Một nhóm cảnh sát từ Thủ đô Islamabad đã đến nhà của cựu Thủ tướng Khan ở thành phố Lahore, nơi có hàng trăm người ủng hộ ông bao vây, nhưng không thể tìm thấy cựu nhà lãnh đạo này.
Cũng trong ngày 5-3, cựu Thủ tướng Imran Khan nói sẽ không tới trình diện tòa do “lo ngại bị đe dọa tính mạng” và tòa án không cung cấp đủ biện pháp an ninh cho ông. Fawad Chaudhry - Trợ lý của cựu Thủ tướng cáo buộc giới chức Pakistan muốn gieo rắc hỗn loạn chính trị và tránh tổ chức bầu cử sớm bằng cách bắt cựu Thủ tướng Khan, người vẫn được cử tri trẻ ở khu vực thành thị của Pakistan yêu mến.
Thủ tướng Khan mất chức hồi tháng 4-2022 do không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội và đang đối mặt với hàng chục cáo buộc, trong đó có tham nhũng và khủng bố. Chính trị gia này gần đây liên tục hối thúc Chính phủ Pakistan tổ chức bầu cử sớm, song bị người kế nhiệm Shehbaz Sharif bác bỏ khi cho rằng cuộc bỏ phiếu vẫn diễn ra vào cuối năm nay như kế hoạch. Năm ngoái, ông đã lãnh đạo các chiến dịch biểu tình trên toàn quốc để thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu sớm nhưng đã bị bắn tại một trong những cuộc biểu tình này.
Pakistan có dân số hơn 220 triệu người đang ở trong tình trạng khó khăn về kinh tế do lạm phát tăng cao, dự trữ ngoại hối ít ỏi, các cuộc đàm phán cứu trợ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị đình trệ. Khủng hoảng kinh tế không phải là trở ngại duy nhất đối với Pakistan bởi tình hình an ninh cũng trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần qua do một số đảng bị cấm hoạt động đang gia tăng các cuộc tấn công bạo lực ở nhiều vùng của đất nước.
Những người ủng hộ cựu Thủ tướng Imran Khan tin rằng, tổ chức bầu cử sớm là cách duy nhất để kéo đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị mà nước này đang phải đối mặt. Tuy nhiên, liệu cuộc bầu cử mới có thể đưa Pakistan ra khỏi cuộc khủng hoảng này? Ông Zia Rehman - một nhà báo điều tra và là nhà phân tích chính trị nói: “Tình hình kinh tế của đất nước là một mớ hỗn độn lớn và chúng tôi đã hết tiền. Tổ chức tổng tuyển cử là một việc tốn kém, tôi nghĩ Pakistan không đủ khả năng chi trả ngay bây giờ. Con đường lý tưởng phía trước là tất cả các bên liên quan (bao gồm cả các chính trị gia và quân đội) phải ngồi lại với nhau và đồng ý về một chính phủ đồng thuận quốc gia, công việc chính của họ là khắc phục nền kinh tế”.
Còn ông Ghazi Salahuddin - một nhà báo nói với DW: “Ông Khan coi chính trị như một môn thể thao, trong đó mục tiêu duy nhất của vận động viên là đánh bại đối thủ bằng bất cứ giá nào. Chính trị không hoạt động như thế. Các chính trị gia phải tương tác với mọi người, kể cả đối thủ của họ”.
Theo (Theo India Express/ Hindustan Times)