Liên tiếp cướp ngân hàng táo tợn: Bảo vệ tiền - nghề nguy hiểm

Sau các vụ cướp ngân hàng táo tợn xảy ra gần đây, mới nhất là vụ việc tại Đà Nẵng cho thấy bảo vệ là nghề cực kỳ nguy hiểm.

Vừa đảm bảo an toàn kho tiền, vừa là bộ mặt của ngân hàng

Tại trụ sở chi nhánh ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi, những ngày qua công tác đảm bảo an ninh, an toàn được lãnh đạo ngân hàng và công ty dịch vụ bảo vệ "lên dây cót".

 Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh trao đổi với nhân viên bảo vệ của đơn vị để nâng cao nhiệm vụ bảo vệ tại đơn vị.

Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh trao đổi với nhân viên bảo vệ của đơn vị để nâng cao nhiệm vụ bảo vệ tại đơn vị.

Để bảo đảm an toàn cho đơn vị, ngân hàng Vietcombank Quảng Ngãi đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Sơn Nam để bảo vệ tất cả hệ thống từ trụ sở chi nhánh cho đến các phòng giao dịch. Ngoài ra, ngân hàng này còn phối hợp với cơ quan công an bố trí một chiến sỹ công an trực nhiệm vụ bên trong phòng giao dịch và chi nhánh.

Ghi nhận cho thấy, đơn vị bảo vệ luôn bố trí ít nhất 6 nhân viên trực nhiệm vụ vừa đón tiếp, điều tiết xe cộ của khách hàng, vừa thực hiện cảnh giới, quan sát từng nhóm khách hàng ra vào để "nhận diện" và phân loại nhằm kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Vệ sĩ Võ Thành Thông cho biết, nắng cũng như mưa, nhiệm vụ của anh là "quan sát" khách hàng ra vào cửa chính cũng như khu vực nhà xe. Do lượng khách hàng đến đông, lúc cao điểm không đếm xuể, nhưng từng vệ sĩ như anh phải luôn cảnh giác cao độ.

"Người ngoài nhìn vào thấy chúng tôi đi qua đi lại, có khi ngồi nghỉ tưởng nghề này khỏe lắm. Nhưng thực tế rất vất vả, vì mình làm việc phải có trách nhiệm với công ty và còn vì miếng cơm manh áo nên luôn đề cao tinh thần làm việc", anh Thông chia sẻ.

Để công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, nhân viên và khách hàng, Vietcombank Quảng Ngãi đầu tư trang bị hệ thống camera chất lượng cao bố trí nhiều nơi trong và ngoài khuôn viên phòng giao dịch và cả camera nhận diện khuôn mặt ở cửa chính. Ngoài ra hệ thống cảnh báo cũng được kết nối với công an địa phương.

Giám đốc Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, tiêu chuẩn chọn bảo vệ từ chiều cao, cân nặng cho đến kỹ năng giao tiếp với khách hàng. Các vệ sĩ phải được cấp chứng chỉ, được huấn luyện và thành thạo các kỹ năng phản ứng nhanh khi có tình huống bất ngờ.

Điều quan tâm nhất của đơn vị ở công tác đảm bảo an ninh tại các phòng giao dịch, vì xa trụ sở chi nhánh và nằm ở các thị trấn, vùng nông thôn. Do đó, để đảm bảo công tác an ninh, hằng tháng đơn vị làm việc với ban lãnh đạo công ty bảo vệ để đánh giá lại hoạt động, kết quả công tác bảo vệ mà ngân hàng ký hợp đồng thuê. Quán triệt tinh thần làm việc cũng như thông tin cụ thể tình hình hoạt động tội phạm liên quan đến hệ thống ngân hàng.

 Đại diện ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi giới thiệu hệ thống camera an ninh và hệ thống báo động tại ngân hàng.

Đại diện ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi giới thiệu hệ thống camera an ninh và hệ thống báo động tại ngân hàng.

Đồng thời, yêu cầu công ty bảo vệ duy trì chế độ trực, lưu ý trang bị công cụ hỗ trợ theo đúng quy định từ súng điện, súng bắn đạn cao su và các công cụ hỗ trợ khác để có khả năng khống chế được tội phạm khi có sự cố xảy ra.

Cũng theo ông Linh, để tiếp nhận nhân sự bảo vệ, ngoài công ty Sơn Nam tự tuyển dụng nhân sự, thì Vietcombank Quảng Ngãi khi tiếp nhận cũng rà soát lại thân nhân, lý lịch tư pháp các bảo vệ cũng như yêu cầu các vệ sĩ phải là bộ đội xuất ngũ, từng công tác trong lực lượng vũ trang.

"Ngoài nghiệp vụ bảo vệ thì phải được học qua lớp đào tạo tiêu chuẩn giao dịch đối với khách hàng để đảm bảo khi khách hàng đến thì công tác chào hỏi. Các vệ sĩ vừa mang trách nhiệm bảo đảm an toàn kho quỹ, tiền bạc và con người thì các vệ sĩ còn đảm bảo hình ảnh của hệ thống ngân hàng vì chất lượng của ngân hàng tốt hay xấu đầu tiên là ứng xử của bảo vệ", ông Linh nói.

Bảo vệ phải trải qua tập huấn nghiệp vụ

Ông Nguyễn Duy Hùng (Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh, tại TP Đà Nẵng) đã làm bảo vệ gần 10 năm. Trước đây, ông chủ yếu làm bảo vệ cho các nhà hàng với nhiệm vụ hướng dẫn khách để xe, trông giữ xe cho khách… Sau này, ông được chuyển qua làm bảo vệ ngân hàng.

 Ông Phùng Tấn Dũng chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ tại ngân hàng

Ông Phùng Tấn Dũng chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ tại ngân hàng

Theo ông Hùng, để nhận nhiệm vụ bảo vệ tại ngân hàng, ông đã trải qua lớp tập huấn trong một tháng về công tác phòng cháy chữa cháy, được huấn luyện võ thuật nhằm ứng phó các sự cố như cướp, các hoạt động gây mất an ninh trật tự.

Sau khi được công an cấp chứng chỉ mới được công ty phân công nhiệm vụ. Ngoài ra, tại công ty thường xuyên tổ chức tập huấn nhằm củng cố các nghiệp vụ đã được cơ quan chức năng đào tạo.

Bảo vệ Phùng Tấn Dũng (53 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) cho hay, ông đã làm bảo vệ ngân hàng MB trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) gần 8 năm.

Ông Dũng chia sẻ, khi gặp cướp ngân hàng, mình phải tùy cơ ứng biến xử lý chứ không thể bỏ chạy hoặc nhắm mắt xông vào kẻ cướp vì bọn cướp luôn thủ súng, dao… và rất manh động khi bị ngăn cản.

"Khi xác định kẻ cướp lơ là thì mình có thể tấn công, khống chế. Nếu kẻ cướp manh động thì mình phải hạn chế lại, quan sát tình huống để xử lý", ông Dũng nói.

Ông Dũng đánh giá hành động của bảo vệ Trần Minh Thành rất dũng cảm, nhưng do tên cướp quay lại đâm bất ngờ khiến ông Thành không phản ứng kịp.

"Mình lớn tuổi, không còn sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh như thanh niên nên phản xạ sẽ chậm hơn, anh em cũng rút kinh nghiệm tùy cơ ứng biến khi có sự cố", ông Dũng chia sẻ.

Dẫn chứng tại nơi mình làm việc, ông Dũng cho biết có hai bảo vệ, một người trong ngân hàng, còn ông Dũng trực bên ngoài. Khi có sự cố bên trong, bảo vệ bên ngoài sẽ hô hoán để người dân trợ giúp và điện báo công an.

Ông Dũng cũng cho rằng, khâu nhận dạng đầu tiên khi khách vào ngân hàng đặc biệt quan trọng. Bảo vệ sẽ yêu cầu họ tháo mũ bảo hiểm, người mặc áo khoác có mũ trùm đầu thì càng phải đề nghị họ tháo mũ ra để thấy mặt.

"Riêng các đối tượng choai choai, xăm trổ khi vào cửa ngân hàng thì phải chú ý đặc biệt và sẵn sàng báo động, khống chế cửa chính…", ông Dũng chia sẻ thêm.

 Tang lễ của bảo vệ Trần Minh Thanh tại Đà Nẵng sáng nay

Tang lễ của bảo vệ Trần Minh Thanh tại Đà Nẵng sáng nay

Ông Nguyễn Duy Tư, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh cho biết, theo giáo trình được Bộ Công an thẩm duyệt, mỗi nhân viên bảo vệ được huấn luyện kéo dài 1 tháng trước khi nhận nhiệm vụ, bao gồm cả huấn luyện võ thuật và chấp hành pháp luật trong việc phòng vệ chính đáng.

Theo lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng, bên cạnh việc đào tạo, huấn luyện của các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ, Công an TP Đà Nẵng cũng thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp.

Qua các đợt tập huấn, rà soát, kiểm tra mới cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp cho lực lượng bảo vệ đạt yêu cầu.

"Thời gian tới, Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục có kế hoạch để tập huấn, huấn luyện đối với lực lượng này", lãnh đạo Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm.

Nghề nguy hiểm

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một công ty bảo vệ tại Đà Nẵng chia sẻ, bảo vệ ngân hàng gặp nhiều áp lực hơn ở nhà hàng, siêu thị... vì nơi này nhạy cảm, dễ xảy ra những tình huống nguy hiểm.

 Gia đình bảo vệ Trần Minh Thành buồn bã trước sự ra đi đột ngột của người thân

Gia đình bảo vệ Trần Minh Thành buồn bã trước sự ra đi đột ngột của người thân

Theo vị này, khi tuyển dụng bảo vệ, ngoài yếu tố sức khỏe, người ứng tuyển phải có giấy xác nhận của địa phương về lý lịch sạch (chưa có tiền án, tiền sự - PV), không xăm trổ… mới được nhận.

"Bảo vệ ngân hàng được trang bị roi điện, dùi cui điện, tuy nhiên, với những tên cướp có súng thì phải hết sức cẩn thận vì các đối tượng này rất manh động, sẵn sàng nổ súng chống cự khi bị truy đuổi", vị này cho biết thêm.

Ông Nguyễn Nho, Phó tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Việt Mỹ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho hay, hiện nay hầu như chưa có cơ chế để hỗ trợ nhân viên bảo vệ khi có rủi ro xảy ra, mức lương lại khá thấp, chỉ từ 5 - 6 triệu đồng.

Theo ông Nho, nghề bảo vệ đang vướng vì thiếu giấy phép Sử dụng công cụ hỗ trợ, chủ yếu chỉ trang bị gậy ba trắc, roi điện,… Do vậy, cần được cho phép trang bị nhiều hơn như súng bắn đạn su, súng bắn hơi cay để tăng cường sự đảm bảo cho khách hàng lẫn nhân viên bảo vệ.

Ông Nguyễn Duy Tư, Tổng giám đốc Công ty CP dịch vụ bảo vệ an ninh (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, việc cấp giấy phép sử dụng súng đạn su, súng hơi cay đang rất hạn chế.

Trong khi đó, mỗi bảo vệ ngân hàng đều cần có súng để ứng phó với tội phạm. Nhiều ngân hàng chỉ bố trí một bảo vệ/ ca làm việc trong khi cần tối thiểu hai bảo vệ/ ca mới có thể xử lý khi có cướp.

Tại Quảng Ngãi, các chi nhánh ngân hàng và phòng giao dịch thời gian qua đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình huống bất ngờ và đưa ra các giải pháp, biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn.

Có 8 năm công tác trong công ty vệ sĩ tham gia bảo vệ hệ thống ngân hàng tại Quảng Ngãi, anh Nguyễn Hoàng Khải, nhân viên bảo vệ của Công ty vệ sĩ Sơn Nam cho biết, áp lực công việc không hề nhẹ khi mà nhiệm vụ của lực lượng là "hài lòng khách đến, vui lòng khách đi" và phải đảm bảo an ninh trật tự một cách tốt nhất.

 Anh Nguyễn Hoàng Khải có 8 năm trong nghề bảo vệ các ngân hàng cho rằng đây là nghề rất vất vả và nguy hiểm.

Anh Nguyễn Hoàng Khải có 8 năm trong nghề bảo vệ các ngân hàng cho rằng đây là nghề rất vất vả và nguy hiểm.

"Vụ việc xảy ra tại các ngân hàng vừa qua khiến anh em vệ sĩ ít nhiều lo sợ. Bởi nhóm đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng luôn mang theo "hàng nóng" nên tính chất sẽ rất nguy hiểm. Để tránh xảy ra sự việc bên trong các phòng giao dịch nơi có đông người, kinh nghiệm của tôi là quan sát, nhận diện và có kế hoạch ngăn chặn ngay từ bên ngoài. Cái này là kỹ năng của từng cá nhân, nhưng dù gì thì đây vẫn là nghề nguy hiểm", anh Khải nói.

Cũng theo anh Khải, nhiều năm làm việc chưa va chạm với những vụ cướp, nhưng khách hàng cự cãi, va chạm nhỏ có xảy ra. Để giải quyết tình huống này bản thân anh luôn ứng xử mềm mỏng, ứng xử trong chừng mực để làm nhẹ vấn đề. Nếu đối tượng quá khích sẽ phối hợp với công an địa phương xử lý. Tuyệt đối tránh những va chạm không đáng có và hạn chế tối đa việc sử dụng công cụ hỗ trợ.

Tại ngân hàng Vietcombank chi nhánh Quảng Ngãi, đơn vị này còn ký hợp đồng với Công ty Sơn Nam sử dụng dịch vụ bảo vệ lưu động 24/24h tại các điểm giao dịch và các máy rút tiền tự động. Khi có sự cố xảy ra, đội tuần tra lưu động sẽ hỗ trợ ngay để bảo vệ tài sản và bảo vệ khách hàng.

Lãnh đạo nhiều chi nhánh ngân hàng tại Quảng Ngãi cho rằng công tác đảm bảo an ninh tại chi nhánh và phòng giao dịch luôn được đề cao, trong đó lực lượng bảo vệ được yêu cầu phải đảm bảo nhiệm vụ. Tuy vậy, quan trọng nhất là kỹ năng xử lý tình huống.

Quan điểm của đơn vị là phải đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng con người từ nhân viên đến khách hàng và lực lượng tham gia làm nhiệm vụ.

 Nhân viên bảo vệ ngân hàng phải luôn quan sát để đảm bảo an ninh trật tự, có biện pháp ngăn chặn các đối tượng và làm "hài lòng" khách hàng của ngân hàng.

Nhân viên bảo vệ ngân hàng phải luôn quan sát để đảm bảo an ninh trật tự, có biện pháp ngăn chặn các đối tượng và làm "hài lòng" khách hàng của ngân hàng.

Nếu có sự cố, nhân viên bảo vệ bắt đối tượng thì phải phù hợp với tình hình cụ thể, đảm bảo an toàn thì mới tham gia trực tiếp, bởi đối tượng đã xác định cướp thì họ đều trang bị súng, nếu vệ sĩ áp sát cướp súng nhỡ lạc đạn thì nguy hiểm cho nhân viên ngân hàng và khách hàng và cả vệ sĩ. Nguyên tắc là không chống trả tức thì mà phải có kỹ năng, xử lý tình huống trong điều kiện thích hợp.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Sơn Nam Vũ Ngọc Viên cho biết, việc bảo vệ các doanh nghiệp lớn, ngân hàng luôn rất khó khăn, nguy hiểm. Nghề này như một đơn vị bán vũ trang vậy, hoạt động kinh doanh có điều kiện. Về nghiệp vụ, trang bị công cụ hỗ trợ theo sự hướng dẫn, quản lý của ngành công an.

"Nghề phức tạp vì mình thực hiện việc bảo toàn tính mạng con người, tài sản, giữ vững ổn định để đối tác hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng có những hành động xử lý hiệu quả với điều kiện thực tế, kể cả các đối tượng manh động. Ngoài ra, khi đã ký hợp đồng bảo vệ, nếu xảy ra mất trộm tài sản, công ty và nhân viên bảo vệ phải chịu trách nhiệm đền trả", ông Viên nói.

Lê Đức

Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/lien-tiep-cuop-tao-ton-tai-ngan-hang-cac-nhan-vien-bao-ve-duoc-dao-tao-the-nao-192231123131044886.htm